Quỹ tín dụng nhân dân: Trọng tâm xử lý trong năm 2019

(ĐTCK) Năm 2018, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được củng cố, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen. Năm 2019, công tác chấn chỉnh, củng cố hoạt động hệ thống này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Còn 64 QTDND yếu kém, gồm 24 quỹ bị kiểm soát đặc biệt

Tính đến 30/11/2018, toàn hệ thống QTDND có 1.183 quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố. Số thành viên tham gia QTDND là gần 1.551.000 thành viên, bình quân 1.311 thành viên/quỹ. Tổng nguồn vốn của các QTDND tiếp tục tăng trưởng, đạt gần 113.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với 31/12/2017, nguồn vốn bình quân hơn 95 tỷ đồng/quỹ và cơ cấu nguồn vốn tương đối hợp lý.

Ngoài ra, cơ cấu sử dụng vốn của các QTDND được duy trì hợp lý, tổng dư nợ cấp tín dụng gần 90.000 tỷ đồng (chiếm gần 80% tổng nguồn vốn), tăng 11% so với 31/12/2017. Tổng nợ xấu của các quỹ là gần 956 tỷ đồng, với tỷ lệ xấp xỉ 1,1%. Tính chung, toàn hệ thống QTDND có thu nhập lớn hơn chi phí khoảng 1.221 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố vẫn còn tồn tại các QTDND hoạt động chưa hiệu quả, yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống QTDND không cao, nhưng tại một số QTDND, tỷ lệ này ở mức khá cao; tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tương đối cao so với trung bình toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản; một số quỹ vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn, có xu hướng xa rời bản chất và mục tiêu của mô hình QTDND, không còn tính liên kết cộng đồng và chạy theo mục tiêu lợi nhuận.

“Đến nay, vẫn có 64 quỹ yếu kém, trong đó có 24 quỹ đang bị kiểm soát đặc biệt”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019. 

Dừng cấp phép thành lập mới QTDND

Trước những tồn tại trong hoạt động của QTDND, ông Đào Minh Tú cho hay, trong năm 2018, cơ quan này đã tổ chức 2 hội nghị chuyên đề về QTDND, tập trung chỉ đạo và có nhiều giải pháp để quản lý, chấn chỉnh, củng cố hoạt động của hệ thống QTDND và xử lý các quỹ yếu kém.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước dừng cấp phép thành lập mới QTDND; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của các QTDND tại tất cả các tỉnh, thành phố; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND.

“Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành và chính quyền địa phương cùng vào cuộc để tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND; Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang khẩn trương xử lý các tồn tại, yếu kém, sai phạm của các QTDND, hoàn thiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ông Tú nói.

Bên cạnh đó, các đợt làm việc để khảo sát về tình hình hoạt động của các QTDND tại các tỉnh, thành phố có nhiều QTDND trên địa bàn như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, An Giang, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi để nắm bắt thực trạng, khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo kịp thời công tác quản lý QTDND cũng được tổ chức

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án xử lý 15 QTDND yếu kém, không có khả năng phục hồi theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, đã tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi, các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND yếu kém (trong 15 QTDND yếu kém) để xây dựng phương án xử lý chi tiết đối với từng quỹ theo hướng phân thành 3 nhóm: nhóm đủ điều kiện phá sản ngay; nhóm cần có ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Hợp tác xã tham gia xử lý trước khi phá sản hoặc giải thể; nhóm đủ điều kiện phục hồi để có giải pháp xử lý phù hợp. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Đối với câu chuyện xử lý QTDND tại Đồng Nai, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã phê duyệt phương án giao một số ngân hàng thương mại tham gia xử lý QTDND yếu kém, trước mắt có nguồn tiền chi trả cho người gửi tiền tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt, nhằm ổn định tâm lý người gửi tiền. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm soát tình hình. 

Sẽ thành lập một đơn vị chuyên trách quản lý toàn diện

Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trên chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực, tăng cường thanh tra, giám sát đối với các QTDND, đặc biệt là các quỹ chưa được thanh tra từ 2 - 3 năm trở lên, QTDND có tình hình tài chính yếu kém, lỗ lũy kế lớn, có dấu hiệu bất thường qua công tác giám sát, các tồn tại kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.

Tập trung xử lý và hoàn thiện cơ chế xử lý các QTDND yếu kém không có khả năng phục hồi bằng các hình thức phù hợp với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Có cơ chế hỗ trợ ngân hàng thương mại khi tự nguyện tham gia xử lý QTDND yếu kém. Nghiên cứu, huy động thêm các nguồn lực khác ngoài phương án huy động nguồn lực từ Ngân hàng Hợp tác xã và ngân hàng thương mại để xử lý các QTDND yếu kém.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng thành lập một đơn vị chuyên trách để tham mưu về công tác quản lý toàn diện đối với hệ thống QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Được biết, năm 2018, ngoài Techcombank còn có Sacombank tham gia hỗ trợ xử lý QTDND yếu kém. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2019, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank đề xuất: “Riêng trong năm 2019, với việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Sacombank hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân, Sacombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho Sacombank tăng trưởng tín dụng ở mức 19%. Điều này sẽ giúp Sacombank củng cố mạng lưới hoạt động sau sáp nhập (Southern Bank)”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục