Quy tắc 'cấm khoe của' ở Thụy Điển

"Tôi sẽ không nói cho bạn về thu nhập cá nhân vì không có lý do để làm điều đó", Robert Ingemarsson, nhân viên tiếp thị ở Stockholm, cho biết.
Stockholm, Thụy Điển. .Ảnh Internet Stockholm, Thụy Điển. .Ảnh Internet

Khi được hỏi về cách tiêu tiền, người đàn ông 30 tuổi này trả lời ngắn gọn rằng để đầu tư cổ phiếu. 

Victor Hesse, 24 tuổi, hào hứng kể về kế hoạch tổ chức chương trình cấp quốc tế cho một thương hiệu lớn của Thụy Điển khi đang mua sắm tại khu Ostermalm. Tuy nhiên, anh cho biết mức lương của mình là điều "tuyệt mật".

Ostermalm là khu dân cư nội thành giàu có nhất thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Những du thuyền tư nhân và quán bar nổi bao quanh bến thuyền. Đại lộ Strandvagen rợp bóng cây gần đó sở hữu một số bất động sản đắt đỏ nhất thủ đô, cùng với những cửa hàng bán đồ độc quyền và nhà hàng xa hoa.

Khu vực này còn gồm các tòa nhà công phu từ thế kỷ 18, bên trong là không gian sang trọng với những quán bar có hội viên riêng. Tuy nhiên, việc tìm được một người dân tại khu Ostermalm chia sẻ về tài sản cá nhân gần như bất khả thi.

Thu nhập cao được coi là thành công ở hầu hết quốc gia trên thế giới, nhưng người Thụy Điển có ác cảm sâu sắc với việc nói về tài sản của mình. Họ có thể sẵn lòng chia sẻ về những ngôi nhà, du thuyền, xe thể thao hay những buổi vui chơi trong hộp đêm của mình, nhưng với điều kiện không được công khai với công chúng.

"Tôi cảm giác đây là sự khoe khoang và không thấy thoải mái với nó", một người cho biết, tương tự với ý kiến của rất nhiều người khác. Dường như không có ai ở Stockholm tỏ ra tự hào với sự giàu có của mình.

Lola Akinmade Akerstrom, cây bút về văn hóa Thụy Điển đã sống tại Stockholm hơn 10 năm, cho biết tiền bạc là "chủ đề vô cùng gây khó chịu" ở quốc gia này.

Cô nói thêm rằng việc "khoe của", hoặc thậm chí chỉ chia sẻ về mức lương vừa phải với một người lạ, là điều cấm kỵ, tới mức nhiều người Thụy Điển thực sự cảm thấy "việc nói về tình dục hoặc các chức năng của cơ thể còn thoải mái hơn".

Stina Dahlgren, nhà báo 28 tuổi người Thụy Điển từng sống vài năm ở Mỹ, cũng có cùng quan điểm.

"Tại Mỹ, khi bạn cho biết mình kiếm được rất nhiều tiền, mọi người sẽ tung hô và chúc mừng bạn. Nhưng ở Thụy Điển, khi bạn nói mình có mức lương ổn, người khác sẽ nghĩ rằng bạn thật kỳ cục", cô cho hay, lưu ý thêm rằng không bao giờ được hỏi người Thụy Điển về tiền bạc.

Theo nhiều nhà bình luận văn hóa, điều cấm kỵ này phần lớn bắt nguồn từ một quy tắc ở Bắc Âu có tên Jantelagen, có nghĩa là không bao giờ được nghĩ bản thân tốt đẹp hơn bất cứ người nào khác.

"Jantelagen là một quy tắc xã hội bất thành văn tồn tại ở Thụy Điển và nhiều quốc gia Bắc Âu khác", Akerstrom giải thích. "Điều này đồng nghĩa với việc không được tỏ ra quá hào nhoáng và khoe khoang thái quá. Đây còn là một cách để giữ hầu hết người dân ở mức ngang bằng nhau, giúp loại bỏ nguồn cơn gây căng thẳng".

Tiến sĩ Stephen Trotter, học giả người Thụy Điển gốc Scotland, cho biết quy tắc này đã tồn tại ở Bắc Âu, đặc biệt là những vùng nông thôn, suốt nhiều thế kỷ. "Jantelagen là một cơ chế kiểm soát xã hội.

Nó không chỉ liên quan tới sự giàu có, mà còn bao gồm quy tắc không được tỏ ra biết nhiều hơn so với vốn kiến thức hoặc hành động vượt quá địa vị của mình", ông nói.

Akerstrom bổ sung rằng dù người Thụy Điển cố gắng hết sức để duy trì hình tượng xã hội dân chủ không phân biệt tầng lớp, nhiều cư dân vẫn chỉ giao thiệp với những người sở hữu mức thu nhập tương tự mình.

Theo cô, điều này có nghĩa là quy tắc Jantelagen có thể thay đổi tùy đối tượng và việc đề cập đến tiền bạc dễ chấp nhận hơn với những người có cùng hoàn cảnh.

Andreas Kensen, người thường dành buổi chiều để ghé thăm các cửa hàng ở khu Ostermalm, đồng tình với ý kiến này. "Tôi chắc chắn sẽ kể với bạn bè về chuyến du lịch của mình, hoặc đăng ảnh lên mạng xã hội. Nhưng với một người lạ vừa gặp, tôi sẽ không nói gì hết", anh giải thích.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Thụy Điển trẻ tuổi và thành công chỉ trích quy tắc Jantelagen, kêu gọi mọi người trò chuyện nhiều hơn về sự giàu có và thành đạt. Nicole Falciani, 22 tuổi, là một trong số đó. Cô bắt đầu kiếm tiền nhờ việc viết blog ở độ tuổi thiếu niên và giờ đây trở thành người có sức ảnh hưởng lớn, với 354.000 người theo dõi trên Instagram.

Quy tắc 'cấm khoe của' ở Thụy Điển ảnh 1

Nicole Falciani tại một buổi chụp hình ở ngoại ô Stockholm, Thụy Điển. Ảnh:BBC

Falciani không ngần ngại tiết lộ mức thù lao trung bình của cô là khoảng 20.000 USD cho mỗi sự kiện. Cô dành hầu hết tiền kiếm được để du lịch, mua túi hàng hiệu và đã sở hữu một căn hộ ở trung tâm thành phố từ năm 20 tuổi.

"Tôi muốn quy tắc Jantelagen biến mất, bởi điều đó có lẽ giúp cuộc sống của người dân tại đây tốt hơn rất nhiều. Xã hội của chúng tôi sẽ cởi mở hơn nếu có thể đề cập tới chuyện tiền bạc. Ý tưởng rằng mọi người nên được bình đẳng và chúng ta đều giống nhau là một suy nghĩ tốt đẹp, nhưng nó không hiệu quả, bởi nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn người khác, bạn nên tự hào về điều đó", Falciani giải thích.

Cornelius Cappelen, phó giáo sư tại Đại học Bergen, Na Uy, cho rằng sự trỗi dậy của mạng xã hội đã dẫn tới làn sóng phản đối của giới trẻ với quy tắc Jantelagen.

Theo ông, việc viết blog và quay vlog thúc đẩy "sự bùng nổ chủ nghĩa cá nhân", khuyến khích mọi người bước ra khỏi đám đông. So với các quốc gia phương Tây khác, đặc biệt là Mỹ, điều này ít phổ biến hơn rất nhiều tại Bắc Âu, cho tới thời gian gần đây. 

"Ngày càng nhiều người coi Jantelagen là một hình thức lạm dụng. Nhiều người trẻ thậm chí tuyên bố rõ ràng rằng họ ghét nó", Cappelen cho biết.

Akerstrom cũng nhận định mạng xã hội có tác động lớn, bởi từ khi việc khoe khoang trở nên phổ biến trên Facebook và Instagram, những người Thụy Điển sở hữu thành tích cá nhân nổi bật bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn với việc công khai sự thành công.

"Một số người rất tài năng phải che giấu bản thân vì Jantelagen, nhưng sau đó họ lại thấy những người tầm thường tự tin khoe khoang trên mạng. Tôi nghĩ rằng Jantelagen sẽ dần biến mất bởi những người bị kìm nén sẽ lên tiếng. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn giúp bạn kết nối với nhiều đối tượng không biết về quy tắc này", Akerstrom nói.

Nữ tác giả bổ sung rằng Jantelagen đang ít phổ biến hơn do số người nhập cư tăng. Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu đa dạng nhất, với khoảng 25% dân số sinh ra ở nước ngoài hoặc có cha mẹ là người nước ngoài. "Những nền văn hóa khác khuyến khích sự tôn vinh thành công, đề cao người tài và các kỹ năng", Akerstrom cho biết.

"Tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn bởi ngày càng nhiều người nước ngoài sống ở Thụy Điển mang văn hóa của họ tới đây. Chúng tôi cũng có nhiều chương trình truyền hình Mỹ và họ không tuân theo Jantelagen chút nào", Falciani đồng tình.

Tuy nhiên, cô không rõ liệu quy tắc này có thể biến mất hoàn toàn hay không, bởi nó "đã bám rễ quá sâu vào văn hóa Thụy Điển và vùng Scandinavi".

Phó giáo sư Cappelen cũng không chắc chắn về khả năng biến mất của Jantelagen. "Tôi hy vọng sự khiêm tốn, khía cạnh tốt đẹp của quy tắc này, sẽ tiếp tục tồn tại. Tôi cũng mong những mặt tiêu cực của nó như việc hạ thấp bản thân sẽ lụi tàn", ông cho biết.

Trong khi đó, một số người nhập cư Thụy Điển lại bày tỏ sự trân trọng với Jantelagen. "Tôi nghĩ Chile thực sự là một xã hội đề cao bản thân thái quá, nơi thành tựu trở nên vô cùng quan trọng, như trình độ học vấn, thể thao, ngoại hình, ôtô, nhà ở", Natalia Irribara, người từ Chile chuyển tới Stockholm ba năm trước, cho biết.

"Tại đây, chúng tôi có hàng xóm là một người mẫu, nhưng họ không bao giờ khoe về việc mình xuất hiện trên tạp chí. Một hàng xóm khác là nhiếp ảnh gia với thành tích xuất sắc, nhưng chưa từng đề cập tới chuyện đó. Với tôi, sự khiêm tốn vô cùng cần thiết. Điều tôi thích ở Thụy Điển là với quy tắc Jantelagen, vật chất không quá quan trọng nữa", người phụ nữ 35 tuổi nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục