Quỹ Nhà nước trăm tỷ: Bí ẩn chi tiêu

Tại Hội thảo về định hướng và quan điểm xây dựng Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN do Bộ Tài chính tổ chức ngày 30-1, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đề cập nhiều quỹ nhà nước được đầu tư hàng trăm tỷ mỗi năm nhưng không biết chi tiêu thế nào.
Minh họa: Khều.

Quản lý việc chia lãi

 

Theo ông Đặng Văn Thanh, điểm đáng chú ý hiện nay là chúng ta có Luật Ngân sách Nhà nước nhưng ngân sách ngày càng nhỏ đi trong tổng số quỹ tài chính của Nhà nước, song lại chưa có luật điều chỉnh. Bên cạnh ngân sách Nhà nước có tới 40 quỹ ngoài ngân sách. Có những quỹ tới hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn tỷ nhưng chi tiêu ra sao, hình thành thế nào thì không ai biết.

 

“Tôi làm đại biểu Quốc hội 5 năm, kiến nghị mấy lần nhưng chưa một quỹ nào báo cáo công khai trước Quốc hội về tiền chi tiêu thế nào. Quanh đi quẩn lại là kết quả xóa đói giảm nghèo… Hôm trước, ngồi ở Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nghe một loạt quỹ của Bộ Y tế thấy nhiều vấn đề lắm. Có những quỹ được đầu tư hàng chục năm nay như Quỹ Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam nhưng tiền tiêu thế nào, sàng lọc, bồi bổ con người thế nào, chống bệnh hiểm nghèo thế nào không rõ”- Ông Thanh nói.

 Có những quỹ được đầu tư hàng chục năm nay như Quỹ Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam nhưng tiền tiêu thế nào, sàng lọc, bồi bổ con người thế nào, chống bệnh hiểm nghèo thế nào không rõ”.

 

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam.

Cũng theo ông Thanh, có tình trạng hiện nay là Quốc hội có những khoản đứng về mặt tài chính quốc gia, tài chính Nhà nước, Quốc hội cũng chưa được biết. Việc quản lý hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước ở các DN hiện nay cũng cần xem xét lại.

 

Có những DN có vốn đầu tư của Nhà nước tới hàng trăm tỉ đồng nhưng lợi nhuận lại không cao, chỉ vài tỷ bạc. Trong khi có những DN chỉ có vài phần trăm vốn của Nhà nước nhưng có tới hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.

 

Điều này do từ trước đến nay ta chưa bàn đến việc quản lý lãi của các DN có vốn đầu tư của Nhà nước như thế nào, chia cổ phần cổ tức ra sao khi có vốn Nhà nước.

 

“Nên xây dựng Luật tài chính của những DN có vốn Nhà nước, liên quan quyền hạn, chế tài, trách nhiệm của Nhà nước ở các đơn vị này là cần thiết. Cần một cơ chế tài chính riêng đặc thù cho những DN sử dụng vốn Nhà nước. Tôi làm kế toán nên rất sốt ruột khi bỏ tiền ra mà không biết hiệu quả ra sao. Người ta chi trăm triệu nhưng khai ngàn tỷ mà không sao, không ai biết”- Ông Thanh nói.

 

Theo kiến nghị của các chuyên gia, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, trong khi chúng ta đang đặt vấn đề sở hữu toàn dân mà đại diện cho nhân dân chính là Quốc hội. Do đó, Quốc hội phải là chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu là Chính phủ.

 

Nhiều lỗ hổng gây thất thoát vốn Nhà nước

 

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, có nhiều tồn tại liên quan đến quản lý và sử dụng vốn nhà nước cũng như có những lỗ hổng trong tư duy chính sách.

 

Theo ông Doanh, sự tự chủ của DNNN hiện nay là rộng rãi. Sự can thiệp của các bộ còn khá nhiều nhưng việc giám sát trong quản lý vốn Nhà nước vẫn còn lỗ hổng.

 

Đặc biệt, vai trò giám sát của Quốc hội không được luật hoá nên chỉ có vai trò giám sát chung, đi kiểm tra sau đó có khuyến nghị, những đơn vị được khuyến nghị không thực hiện cũng chẳng sao. Còn Luật Đầu tư có quy định nhưng không phân định rõ việc sử dụng vốn đầu tư và tài sản Nhà nước.

 

Ngoài ra, theo ông Doanh, một lỗ hổng lớn khác là chưa có Luật về Cổ phần hóa DNNN cũng như chưa có Luật về Đầu tư công dù Bộ KH&ĐT nhiều lần đưa ra thảo luận, trình nhiều ban ngành.

 

“Trong khi đó chúng ta đã cổ phần hóa hơn 3.000 DNNN. Đầu tư công cũng thực hiện từ khi xây dựng đất nước nhưng đến nay vẫn chưa có luật quản lý các lĩnh vực này. Ở đây vai trò của Quốc hội chưa phát huy được hiệu quả, chưa tương xứng như yêu cầu”- Ông Doanh phân tích.

 

Một khoảng trống được các chuyên gia chỉ rõ trong việc quản lý vốn Nhà nước đó là DNNN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng dù sử dụng lao động lớn, tài nguyên nhiều, sử dụng tới trên 60% tín dụng nhưng chưa thực hiện được vai trò chủ đạo của DN nòng cốt, gây ra thất thoát vốn lớn của Nhà nước. Những vụ việc gây thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng xảy ra ở Vinashin, Vinalines và mới đây là ở Agribank đã cho thấy điều này.

 

Theo các chuyên gia, hiện các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lập ra rất nhiều công ty con, công ty cháu nhưng cơ chế góp vốn không rõ ràng, không xác định được vốn nào là vốn Nhà nước. Điều này được giải thích do chúng ta quá ham đầu tư.

 

Có tình trạng số công trình đầu tư công hiện nay khoảng 40.000, đầu tư rất nhiều nhưng sau khi hoàn thành thì lại không hoàn toàn trở thành doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với đó, sự can thiệp của các bộ ngành nhà nước vào DNNN vẫn còn nặng nề nên muốn cải cách DNNN thì phải cải cách bản thân bộ máy của Nhà nước.


Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục