Quy định quy mô dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng là phù hợp để khu vực địa bàn miền núi có thể triển khai được các dự án PPP trong khi ngân sách nhà nước chưa đủ đáp ứng.
Đây là góp ý của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 43, chiều 24/3.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật được xem xét tại phiên họp này, trong đó có Luật PPP. Và Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp các ý kiến góp ý từ các cơ quan của Quốc hội.
Bổ sung lĩnh vực dịch vụ bảo trợ xã hội thiết yếu
Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, dự thảo luật mới nhất đã thu hẹp còn 6 nhóm lĩnh vực, đồng thời có quy định mở giao Thủ tướng cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án cụ thể ngoài lĩnh vực đầu tư PPP khi đáp ứng các điều kiện nhất định, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành .
Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung các lĩnh vực đầu tư liên quan tới dịch vụ trợ giúp gia đình, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các nhóm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Cụ thể, bổ sung quy định “một số dịch vụ bảo trợ xã hội thiết yếu khác” bên cạnh 6 nhóm đã quy định tại dự thảo.
Về quy mô, dự thảo luật giữ quy định tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng, bảo đảm tập trung đầu tư vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.
Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc ưu tiên áp dụng phương thức PPP đối với những dự án có mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và nhiều đối tượng thụ hưởng như những dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, cung cấp dịch vụ ....
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề xuất quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 100 tỷ đồng vì cho rằng mức không thấp hơn 200 tỷ đồng chỉ phù hợp với khu vực đồng bằng, đô thị nhưng chưa phù hợp với đặc điểm địa bàn miền núi, nơi cần thiết có nhiều công trình có quy mô nhỏ hơn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy định quy mô dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng là phù hợp để khu vực địa bàn miền núi có thể triển khai được các dự án PPP trong khi ngân sách nhà nước chưa đủ đáp ứng.
Tránh vướng mắc với hợp đồng BT
Liên quan đến quy định của dự thảo Luật đối với hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), theo Thường trực Uỷ ban Pháp luật, còn có một số vướng mắc.
Cụ thể, dự thảo luật quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công chưa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bởi vì, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn liền với tài sản là khoản thu của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một trong các nguyên tắc cân đối ngân sách là “các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện” (khoản 1 Điều 7 của Luật Ngân sách nhà nước).
Ngoài ra, các phương thức thanh toán cho hợp đồng BT tại dự thảo luật rộng hơn quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong khi dự thảo luật chỉ xác định phương thức thanh toán mà không quy định cụ thể cơ chế thanh toán, cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết nên không rõ cơ chế để có thể triển khai thực hiện.
Thường trực Uỷ ban Pháp luật còn phân tích, nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ: “Xác định rõ phạm vi áp dụng dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao và nghiên cứu phương ánđấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao”.
Như vậy, phạm vi tài sản công dùng để đấu giá thanh toán cho hợp đồng BT quy định trong dự thảo luật đang rộng hơn yêu cầu tại Nghị quyết nêu trên của Quốc hội. Hơn nữa, nếu chỉ quy định phương thức thanh toán này trong dự thảo Luật mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm đồng bộ với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… thì sẽ có nguy cơ làm nảy sinh các xung đột pháp luật mới.
Do đó, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, trong dự thảo luật cần phải xác định cơ chế cụ thể, chặt chẽ để thực hiện phương thức đấu giá tài sản công để thanh toán cho hợp đồng BT, tránh những vướng mắc khi triển khai trên thực tế .