4 tháng, mức tăng khiêm tốn vì tháng 4
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) và Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) ghi nhận mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) lần lượt là 8,4% và 8% (trước đó, NAV/CCQ của VF4 tăng trưởng 18,7% trong quý I).
Cả hai quỹ này đều đầu tư mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, chiếm 32,6% NAV VF1 và 32,3% NAV VF4.
Trong danh mục 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của VF1 và VF4 đều có 3 mã ngân hàng là ACB, TCB, VPB và 2 mã khác là VNM, PNJ. Tỷ trọng cụ thể như sau, với VF1 là 7,5% ACB, 6,9% TCB, 6,5% VPB 6,4% VNM, 6,4% PNJ; với VF4 là 6,8% TCB, 5,7% ACB, 5,7% VPB, 8,5% PNJ, 7,6% VNM.
Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng thịnh Vinawealth (VEOF) ghi nhận mức tăng trưởng NAV/CCQ 6,5% trong 4 tháng (trước đó, trong quý I, mức tăng trưởng là18,1%). Danh mục đầu tư của Quỹ gồm 41 cổ phiếu niêm yết, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các mã VIC (9,46%), VNM (7,26%), VCB (6,73%), GAS (6,4%), FRT (3,88%).
Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) tăng trưởng 6,7% trong quý I/2018, nhưng đánh mất thành quả này trong tháng 4. Thời điểm cuối năm 2017,
danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của TCEF chiếm 77,54% NAV, tiền mặt chiếm 22,22%; trong đó, cổ phiếu GAS chiếm 6,88%, VCB chiếm 6,16%, VNM chiếm 5,82%, PVD chiếm 5,75%, PVS chiếm 5,27%.
Đến cuối tháng 4, quỹ này đã giảm tỷ trọng cổ phiếu GAS xuống 3,47% NAV, thay vào đó tăng tỷ trọng HPG lên 5,15%, VCI 4,12%, PVS 4,02%, PVI 3,37%; danh mục đầu tư của Quỹ vào cổ phiếu niêm yết chiếm 60,71%, tiền mặt chiếm 24,44%.
Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) cũng đánh mất thành quả của quý I trong tháng 4/2018, NAV/CCQ cuối tháng 4 không thay đổi so với đầu năm.
Danh mục đầu tư của MBVF khá khác biệt so với các quỹ trên, hiện Quỹ đang rót tiền vào THI (6,16%), CAV (5,83%), VCW (5,51%), POW (5,46%), VGC (4,47%). Thời điểm cuối tháng 4, MBVF có tổng tài sản hơn 753 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền hơn 263 tỷ đồng (chiếm 34,96%), các khoản đầu tư trị giá 483,44 tỷ đồng. Giá trị tài sản ròng của Quỹ là 719,75 tỷ đồng, với hơn 50,3 triệu đơn vị quỹ, tương ứng NAV/CCQ là 14.307 đồng.
Một số quỹ ngoại trên thị trường cũng ghi nhận mức sụt giảm NAV/CCQ trong tháng 4/2018.
Tính đến ngày 26/4/2018, Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) ghi nhận NAV là hơn 1,64 tỷ USD, tăng 90 triệu USD so với đầu năm, nhưng giảm 180 triệu USD so với đầu tháng 4. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này chiếm gần 50% giá trị danh mục, trong đó ACB 7,51%, MWG 6,36%, MBB 5,84%, KDH 5,75%,
VNM 5,48%.
Tương tự, NAV của Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) là 1,11 tỷ USD, giảm 110 triệu USD so với con số 1,22 tỷ USD cuối tháng 3/2018, chỉ còn tăng 15 triệu USD so với đầu năm.
Quỹ trái phiếu, BVBF dẫn đầu
Tính đến cuối tháng 4, tổng giá trị tài sản ròng cuối kỳ của Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) là hơn 104 tỷ đồng, NAV/CCQ là 13.679 đồng, tăng 9,8% so với đầu năm và giảm nhẹ so với cuối tháng 3/2018. Danh mục đầu tư của BVBF gồm 51,79% trái phiếu, 45,87% tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.
Tương tự, Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFB) ghi nhận mức tăng trưởng 5,9% trong 4 tháng đầu năm, hầu như không thay đổi so với mức tăng trưởng trong quý I/2018.
Quý I/2018, lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm 70,7% tổng lợi nhuận của Quỹ. Thời điểm cuối tháng 3/2018, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là 29% tổng tài sản, tăng mạnh so với tỷ trọng 15% thời điểm cuối tháng 2/2018. Trong quý I/2018, Quỹ đã phát hành 7,1 triệu chứng chỉ quỹ và mua lại 9,6 triệu chứng chỉ quỹ, giá trị mua ròng chứng chỉ quỹ là 39,3 tỷ đồng.
Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) có giá trị tài sản ròng thời điểm cuối tháng 4/2018 là 1.953,7 tỷ đồng, số chứng chỉ quỹ là 165,69 triệu đơn vị, tương ứng NAV/CCQ là 12.049,33 đồng. Danh mục đầu tư của Quỹ gồm 74,29% trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp VIC, NVL, KBC, MSN…; tiền mặt chiếm hơn 23%.