Làm “mềm” ràng buộc với công ty quản lý quỹ

(ĐTCK) Nhiều điều kiện kinh doanh áp dụng đối với công ty quản lý quỹ được dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số quy định không tạo ra thay đổi thực chất, vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Làm “mềm” ràng buộc với công ty quản lý quỹ

Dự kiến nới lỏng nhiều quy định

Tại dự thảo Đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trong đó có điều kiện áp dụng với khối công ty quản lý quỹ, Bộ Tài chính đề xuất nới lỏng một số quy định.

Cụ thể, liên quan đến điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ, Điều 11, Nghị định 86/2016/NĐ-CP về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán quy định, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách nghiệp vụ (nếu có) phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…; không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ; có ít nhất 5 năm kinh nghiệm tại các bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất, cắt giảm điều kiện về có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, giảm số năm kinh nghiệm xuống còn 4 năm, đồng thời giảm điều kiện không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán trong vòng 6 tháng gần nhất.

Liên quan đến điều kiện sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ, Nghị định 86/2016/NĐ-CP ràng buộc công ty này khi muốn bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện: Không trong tình trạng bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt…; đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 86/2016/NĐ-CP và có vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định; có tối thiểu 1 nhân viên tại bộ phận tư vấn đầu tư để tư vấn cho khách hàng…

Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất, bỏ các điều kiện này do giấy phép quản lý quỹ đã bao gồm cả 3 nghiệp vụ (quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn đầu tư chứng khoán - PV). Đối với các giấy phép được cấp trước khi có Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010, qua quá trình hoạt động, phần lớn đã bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư…

Việc thực thi phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh áp dụng với công ty quản lý quỹ như trên sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán. Theo kế hoạch, dự thảo này sẽ được đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2018, sau đó trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019.

Cắt giảm hình thức

Góp ý cho dự thảo Đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, theo phương án thì tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu trong lĩnh vực tài chính là 370 điều kiện, tổng số điều kiện đề nghị cắt giảm, đơn giản là 193 điều kiện, chiếm 52,2%. Đây là con số ấn tượng, phản ánh tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, theo VCCI, có những đề xuất không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể, một số điều kiện, thủ tục được cắt giảm mang tính hình thức, về bản chất vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong công ty quản lý quỹ, phương án đưa ra đề xuất giảm số năm kinh nghiệm của bộ phận nghiệp vụ từ 5 năm xuống 4 năm.

Liên quan đến điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn vào công ty quản lý quỹ, theo quy định hiện hành thì cơ cấu cổ đông, điều kiện thành viên góp vốn phải đáp ứng các quy định tại khoản 5, 6, 8 và 10 Điều 71, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán. Phương án “làm mềm” điều kiện này được Bộ Tài chính nêu ra chung chung là giảm điều kiện có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán, mà không nói rõ ràng là giảm như thế nào?

Vẫn theo VCCI, một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Ví dụ, đối với các điều kiện về nhân lực, phương án mới chỉ đề xuất giảm số năm kinh nghiệm, mà chưa xem xét có cần thiết phải bỏ hoàn toàn yêu cầu về điều kiện hay không.  

Dữ liệu trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trên thị trường hiện có 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường, 1 công ty quản lý quỹ đang tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, tại ngày 28/2/2018, có tổng cộng 37 quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, có 23 quỹ mở, 2 quỹ đóng, 9 quỹ thành viên, 2 quỹ ETF, 1 quỹ bất động sản. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ là 19.283 tỷ đồng, tăng 5,5% so với con số 18.276 tỷ đồng ngày 31/1/2018.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục