Cần thêm không gian cho các quỹ gọi vốn

(ĐTCK) Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam VFM cho rằng, dù đã tăng trưởng mạnh trong năm 2017, nhưng quy mô của các quỹ vẫn chưa tương xứng với quy mô của thị trường chứng khoán. 
Cần thêm không gian cho các quỹ gọi vốn

Ông dự báo gì về dòng vốn nước ngoài gián tiếp vào thị trường Việt Nam trong năm 2018?

Chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng quy mô của các quỹ sẽ tiếp tục trong năm 2018 trong điều kiện thị trường chứng khoán đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, quy mô tài sản các quỹ đang hoạt động chưa đạt yêu cầu đối với mục tiêu gia tăng tỷ trọng của nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại về quy mô của thị trường chứng khoán (năm 2017, quy mô thị trường cổ phiếu đạt 71% GDP so với mức tương ứng là 43% GDP vào cuối năm 2016) và tăng trưởng giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân phiên đạt trên 5.100 tỷ đồng (tăng 66,4% so với năm 2016) thì tốc độ tăng quy mô tài sản quản lý của ngành quản lý quỹ cần phải có tốc độ tăng nhanh hơn nữa để có thể phát huy được vai trò nhà đầu tư có tổ chức.

Cần thêm không gian cho các quỹ gọi vốn ảnh 1

 Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam VFM 

Với những thành quả kinh tế vĩ mô vững chắc của năm 2017, sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2018 cùng với sự ổn định của chính sách tiền tệ, tôi cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm nóng thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông có thể chia sẻ kết quả hoạt động cơ bản của quỹ do VFM quản lý trong năm qua?

Năm 2017, cùng với diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán, hầu hết các quỹ mở do VFM quản lý đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) vượt trội, đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường. Cụ thể tại ngày 31/12/2017, Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) đạt giá trị tài sản ròng 748,8 tỷ đồng, NAV/chứng chỉ quỹ tăng trưởng 46,2% so với đầu năm. Kết quả này giúp VF4 đứng trong nhóm hai quỹ mở cổ phiếu dẫn đầu trên thị trường về lợi nhuận đầu tư.

Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) cũng có sự tăng trưởng đáng kể, tổng tài sản quản lý đạt 1.115,3 tỷ đồng, tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ là 44,8%. Kết quả này giúp VF1 đứng đầu nhóm quỹ mở đầu tư cân bằng trên thị trường về lợi nhuận đầu tư.

Còn với quỹ mở trái phiếu, với đặc tính rủi ro rất thấp nên mức tăng trưởng đương nhiên không thể đột biến, nhưng cũng có kết quả rất tích cực, ổn định. Quỹ mở trái phiếu VFMVFB có tổng giá trị tài sản ròng 359,4 tỷ đồng, tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ là 15,8%. Kết quả này giúp VFB đứng đầu nhóm quỹ mở trái phiếu trên thị trường về lợi nhuận đầu tư.

Đối với Quỹ ETF VFMVN30, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh mẽ đã giúp Quỹ có sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô và hiệu quả hoạt động trong năm 2017. Đến ngày 31/12/2017, quy mô Quỹ ETF VFMVN30 là hơn 2.749 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 58,3%.

Cũng nên biết rằng, hiện tại, Việt Nam chỉ có hai quỹ ETF nội và trong đó ETF VFMVN30  hiện có quy mô và giá trị giao dịch gấp vài chục lần quỹ còn lại. 

Có thể thấy nhà đầu tư ngoại đã quan tâm đến chứng chỉ quỹ Việt Nam, xu hướng này tiếp tục trong năm nay không, thưa ông?

Nhà đầu tư ngoại hiện dành sự quan tâm rất lớn với chỉ số VN30 cũng như chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 do VFM đang quản lý. Điều này thể hiện ở tỷ lệ 74% giao dịch của nhà đầu tư ngoại trên toàn thị trường nằm ở các cổ phiếu trong chỉ số VN30 và tỷ trọng nắm giữ nhà đầu tư nước ngoài tại quỹ ETF VFMVN30 là 96%. Đa phần nhà đầu tư ngoại là nhà đầu tư tổ chức đến từ các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản…

Nhà đầu tư ngoại năm vừa qua đầu tư vào quỹ ETF đều đạt được mức lợi nhuận tốt, đặc biệt là các nhà đầu tư tham gia thị trường từ giai đoạn quý II trở đi.

Ông ghi nhận thế nào về diễn biến của dòng vốn ngoại vào quỹ trong tháng 1 vừa qua? Vốn Hàn Quốc có phải chiếm tỷ trọng lớn nhất?

Trong tháng 1, khối ngoại đã mua ròng 392,3 triệu USD tại thị trường chứng khoán Việt Nam, là tháng mua ròng cao thứ hai tính từ năm 2016. Tháng mua ròng cao nhất cùng thời kỳ là tháng 11/2017 với giá trị 458,8 triệu USD. Dòng tiền vào thị trường các nước đều dương trong tháng 1, trừ thị trường Thái Lan với giá trị bán ròng đạt 177 triệu USD.

Riêng với quỹ ETF nội địa, cụ thể là ETF VFMVN30, nhà đầu tư ngoại trong tháng 1/2018 mua ròng 78 triệu USD, giúp cho giá trị tài sản ròng của quỹ tăng gần gấp đôi lên mức 5.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng. Mức hút vốn này cũng cao hơn so với các quỹ ETF ngoại khác đang hoạt động trên thị trường Việt Nam.

Vì sao nhà đầu tư trong nước chưa quan tâm đến chứng chỉ quỹ? VFM đã từng có kế hoạch liên kết với các ngân hàng để bán chứng chỉ quỹ, huy động vốn từ người dân. Vậy ý tưởng đó triển khai trong thực tế như thế nào?

Tín hiệu tích cực trong năm 2017 là khách hàng cá nhân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quỹ mở bởi một số công ty quản lý quỹ đã tích cực truyền thông, mở rộng quảng bá; đồng thời thiết kế các gói sản phẩm thuận tiện hướng đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thu nhập đều và ổn định, đem lại cho họ cơ hội đầu tư sinh lời trên chính thu nhập của mình một cách hiệu quả nhất.

Chẳng hạn, sản phẩm Đầu tư định kỳ VF-iSAVING của VFM dành cho nhà đầu tư đại chúng ra đời tháng 3/2017 với số vốn đầu tư tối thiểu chỉ 1 triệu đồng/tháng đã thu hút được hàng nghìn lượt nhà đầu tư quan tâm đăng ký giao dịch và đóng góp đáng kể vào quy mô của các quỹ mở tại VFM.

Có thêm các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư là rất quan trọng để phát triển quỹ, vậy ông có kiến nghị gì để ngành quỹ phát triển mạnh mẽ hơn sản phẩm mới?

Chúng tôi đề xuất cho phép thành lập quỹ thành viên hoạt động theo mô hình quỹ mở. Đây là mô hình quỹ đã được thành lập tại các thị trường phát triển và phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Mô hình này đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và có khả năng thu hút vốn nếu được cho phép thành lập.

Với việc hình thành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, chúng tôi đề xuất cho phép thành lập các quỹ ETF dạng tái lập một phần các chứng khoán trong rổ chỉ số tham chiếu (synthetic ETF). Việc cấp phép này phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường và là tiền đề cho việc thành lập các quỹ ETF mới (quỹ ETF nghịch đảo – Inverse ETF và Quỹ Leveraged ETF).

Bên cạnh đó, cũng cần cho phép các quỹ mở được đầu tư không quá 10% tổng tài sản vào chứng chỉ quỹ đầu tư ETF. Đối với các quỹ mở đầu tư, việc đầu tư vào quỹ ETF làm giảm chi phí hoạt động của quỹ mở và kỹ thuật sử dụng quỹ ETF trong chiến lược đầu tư của quỹ được rất nhiều quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng vì những lợi ích của quỹ ETF.

Chiến lược kết hợp việc sử dụng quỹ ETF và chọn lọc tập trung nhóm cổ phiếu nhất định làm giảm chi phí cho các quỹ đầu tư, đa dạng hóa và tăng hiệu quả hoạt động của các quỹ hơn.

Thị trường cổ phiếu không ngừng lớn mạnh và đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sôi động như kỳ vọng và nhu cầu của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp, thưa ông?

Chúng tôi nhận thấy thị trường trái phiếu chính phủ đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư và Chính phủ đã đặt vấn đề phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị thúc đẩy các hoạt động sau trong điều kiện sớm nhất có thể: Thứ nhất, hình thành sàn giao dịch chuyên biệt cho trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai, hình thành tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm cho trái phiếu và doanh nghiệp phát hành trái phiếu (CRA).

Thứ ba, có các quy định về yêu cầu công bố thông tin tập trung đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện tại, nhà đầu tư vào quỹ đầu tư trái phiếu đang chịu thuế thu nhập tương tự như đầu tư cổ phiếu, trong khi đó, các cá nhân đầu tư trái phiếu chính phủ trực tiếp được miễn thuế đối với lợi tức nhận được.

Để khuyến khích việc đầu tư vào quỹ trái phiếu và góp phần gia tăng tham gia đầu tư của các quỹ trái phiếu trên thị trường, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính có ưu đãi thuế đối với người đầu tư tham gia đầu tư vào quỹ trái phiếu. 

Thu Hương thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục