Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 19,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%; riêng ngành khai khoáng tiếp tục giảm 6%.
Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,30% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp lớn nhất với 8,02 điểm phần trăm). Tích lũy tài sản tăng 9,80%, đóng góp 4,78 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,13 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Trước đó, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%.
CPI tăng mạnh trong tháng 9 do ảnh hưởng của đà tăng giá giáo dục, giá xăng.
Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2017 tăng 0,59% so với tháng trước. Có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu tăng giá. Trong đó, giáo dục tăng cao nhất với 5,0%; nhóm giao thông tăng 1,51% (do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu)… Chỉ có 2 nhóm giảm giá gồm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Như vậy, tính chung, CPI bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Các nguyên nhân đẩy CPI tăng giá do địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và tăng học phí.
Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 9 tháng năm 2017 làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.