Kế hoạch tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngày 30/8 vừa qua, Chính phủ họp đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch tăng trưởng GDP. Theo đó, 6 tháng cuối năm nay phải bảo đảm GDP tăng khoảng 7,42%.
Để đạt mục tiêu này cần quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là các bộ trưởng, các “tổng tư lệnh” đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ rất rõ, đặc biệt là các bộ sản xuất như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các vùng trọng điểm công nghiệp như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.
Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP được dựa trên những kế hoạch tăng trưởng cụ thể của từng ngành, lĩnh vực. Chẳng hạn, trong bối cảnh còn 4 tháng nữa sẽ hết năm 2017, để GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, thì ngành nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%.
Thay vì kích cầu trong bối cảnh sức cầu ở thị trường nội địa đã tới ngưỡng, lúc này cần dùng giải pháp kích cung
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khối khách hàng cá nhân SSI
Việc hiện thực hóa mục tiêu này đang thuận lợi, trong đó theo kịch bản đưa ra ban đầu là kim ngạch xuất khẩu nông sản năm nay đạt khoảng 33 tỷ USD, nhưng có khả năng đạt 35 tỷ USD.
Với công nghiệp, lĩnh vực này phải đạt tốc độ tăng trưởng 7,91%. Trong 8 tháng qua, lĩnh vực công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6,7%. Tuy công nghiệp khai khoáng giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến tăng.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải đạt mục tiêu tăng trưởng 7,19% trong 4 tháng cuối năm. Mục tiêu này có cơ sở để thực hiện khi tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2017 ước đạt 1,23 triệu lượt khách, tăng 18,5% so với tháng 7 và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016.
8 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,47 triệu lượt khách (mục tiêu cả năm đón 13 triệu lượt khách), tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ngay sau khi phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả, giảm lãi suất mức 0,5%/năm từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đạt 21 - 22%...
Cải cách các điều kiện kinh doanh
Nhìn nhận thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ, tình trạng giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Ngoài ra, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao. Theo Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ/năm, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.
Để có đóng góp thiết thực cho tăng trưởng GDP cả trong ngắn và dài hạn, một nội dung lớn được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt là cải cách hành chính, rà soát 5.719 thủ tục kinh doanh. Bỏ được giấy phép con, giấy phép cháu sẽ đảm bảo những điều kiện cho doanh nghiệp duy trì phát triển, qua đó có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật mới đây, trả lời câu hỏi của Thủ tướng “tình hình bức xúc nhất là gì”,TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung, môi trường kinh doanh nói riêng. Cải cách vấn đề này cần được các bộ trưởng đồng tình ủng hộ.
“Việc cải cách các điều kiện kinh doanh là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của phần cung nền kinh tế, để tăng trưởng GDP đạt mức 7 - 8%/năm. Nếu không, tăng trưởng GDP không thể vượt lên mức này”, ông Cung nói.
Dước góc nhìn của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Sài Gòn, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, quyết tâm cao của các cấp, các ngành là chưa đủ, điều quan trọng là cần đưa ra các giải pháp mới, mang tính sáng tạo, cụ thể và hành động quyết liệt.
“Thay vì kích cầu trong bối cảnh sức cầu ở thị trường nội địa đã tới ngưỡng, lúc này cần dùng giải pháp kích cung. Cụ thể, thay vì dồn nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có chiến lược hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn có hiệu quả kinh doanh tốt, chất lượng quản trị cao để dần hình thành các doanh nghiệp Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế.
Gắn liền với đó là chiến lược giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp này không thiếu vốn, cái họ cần là hệ thống cơ chế để họ vươn tầm, cũng như các cơ hội và môi trường đầu tư hấp dẫn”, ông Linh nói.