Ðó là lý do kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 6 mới đây, Chính phủ yêu cầu trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới, các bộ, ngành phải báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến chính sách tài khóa để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP, một thông tin đáng chú ý được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ gợi mở là vốn đầu tư của Nhà nước, kể cả số vốn từ năm trước chuyển sang năm nay chưa giải ngân hiện là 300.000 tỷ đồng. Mức “vốn mồi” này nếu được giải ngân kịp thời có thể thu hút khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư của xã hội, từ đó sẽ có 1 triệu tỷ đồng phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế…
Bài toán thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước được lãnh đạo Chính phủ nêu ra trong bối cảnh tính đến ngày 6/7, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 139.944,7 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 71,4% kế hoạch năm, nhưng mới chỉ chi được vỏn vẹn 1.100 tỷ đồng, đạt 10,9% kế hoạch...
Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả xứng tầm trong sử dụng nguồn vốn này. Thậm chí, việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công nói chung, vốn vay qua kênh trái phiếu chính phủ nói riêng còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp, nên còn không ít hạn chế trong đóng góp cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tiễn cho thấy, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước chậm liên quan đến nhiều nguyên nhân như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; thủ tục thanh, quyết toán còn rườm rà…
Bởi vậy, Chính phủ đang quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục tình trạng này trong 6 tháng cuối năm; trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong giải ngân, đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án.
Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính cần phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành trong thúc đẩy giải ngân khoản “vốn mồi” nêu trên, để từ đó tạo ra lực hút các dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Thực thi có hiệu quả giải pháp này sẽ có đóng góp quan trọng cho khả năng hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7% đề ra cho năm nay, dù đây là mục tiêu đầy thách thức.