Nhìn lại bức tranh kinh tế nửa đầu năm cho thấy, đà tăng trưởng GDP tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. 6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,73%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 5,65%.
Ðà tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65% (cùng kỳ năm trước giảm 0,18%); khu vực dịch vụ tăng 6,85% (cùng kỳ năm trước tăng 6,47%)…
Diễn biến tích cực của nền kinh tế không chỉ thể hiện qua mức tăng trưởng GDP được cải thiện, mà còn định hình một số yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Cụ thể, lạm phát được kiểm soát hiệu quả, lạm phát trong tháng 6/2017 ước giảm 0,17% so với tháng 5, tăng 0,2% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm nay, lạm phát tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối ổn định…
Dẫu vậy, đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm đang đối mặt với không ít thách thức như: xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế tăng; tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới; ngành công nghiệp khai khoáng chưa hết khó khăn, nhất là hoạt động khai thác dầu thô do mặt bằng giá ở mức thấp, tồn kho của ngành than ở mức cao…
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng trên 7,4%, nhưng không đặt vấn đề tăng trưởng bằng mọi giá, mà tăng trưởng về số lượng phải đi liền với chất lượng. Do đó, không thể chủ quan, nếu không quyết liệt thì khó thành công.
Bởi vậy, cần tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng; giải phóng mặt bằng cho các dự án; vay vốn (Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo không dồn vốn cho các “đại gia”, mà tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng)…
Trong dài hạn, để tạo động lực, cũng như tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc xây dựng các chương trình hành động để triển khai 3 nghị quyết về kinh tế của Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo sát diễn biến của nền kinh tế, TTCK từ đầu năm đến nay tăng trưởng mạnh. VN-Index đạt gần 780 điểm vào ngày 30/6/2017 và đang nhận được nhiều kỳ vọng đạt mốc 800 điểm nếu nền kinh tế 6 tháng cuối năm khởi sắc hơn.