Quý III: chi phí tài chính làm mòn lợi nhuận doanh nghiệp

(ĐTCK) Tính đến ngày 26/10, đã có gần 300 DN niêm yết trên hai sàn công bố BCTC quý III/2015 (tại HOSE đã có 134/310 DN công bố).
Quý III: chi phí tài chính làm mòn lợi nhuận doanh nghiệp

Bên cạnh những DN duy trì được lợi nhuận bằng, thậm chí cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thì vẫn còn nhiều DN ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Nguyên nhân do đâu?

BCTC quý III/2015 công ty mẹ Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT) ghi nhận 624 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với cùng kỳ 2014, chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ vận tải và dịch vụ FSO/FPSO. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý III của công ty mẹ PVT lại giảm 24%, chỉ đạt 57,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong quý III, doanh thu tài chính của PVT giảm 51%, xuống còn 8,8 tỷ đồng do lãi tiền gửi - cho vay giảm, trong khi chi phí tài chính tăng 10%, lên 10,7 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá và phải dự phòng giảm giá tổn thất đầu tư…

Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo PVT cho biết, mặc dù quý III lợi nhuận của Công ty có giảm, nhưng tính chung lũy kế 9 tháng đầu năm, PVT vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng nhẹ. Ngoài ra, liên quan đến những biến động tỷ giá thời gian qua, PVT đang chuyển dần các khoản vay bằng ngoại tệ (USD) sang tiền VND nên cũng dần kiểm soát được khi tỷ giá biến động.

Tại thời điểm 30/9/2015, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn của công ty mẹ PVT là 2.599 tỷ đồng, giảm 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, số nợ vay từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 623 tỷ đồng, tương đương 24%.

Đối với DN ngành cao su, với những biến động giảm giá cao su thời gian qua, việc nhiều DN cao su tự nhiên ghi nhận lợi nhuận quý III sụt giảm mạnh so với cùng kỳ là điều dễ hiểu. Hiện tại, trong số các DN cao su đang niêm yết trên sàn, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, nhưng BCTC quý III công ty mẹ PHR cho thấy, Công ty chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 11,6 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt 72,4 tỷ đồng, giảm 50%.

Tình trạng này cũng tương tự đối với CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) khi doanh nghiệp chỉ ghi nhận 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, DPR đạt 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16%. CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) là doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất khi chỉ đạt 1,67 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2015.

Thông thường, giá cao su tự nhiên giảm sẽ là lợi thế đối với các DN sản xuất săm lốp. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của một số DN này cũng không có nhiều khả quan. BCTC quý III/2015 của CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý III của CSM giảm 33%, chỉ đạt 53 tỷ đồng. Nguyên nhân do hoạt động tài chính trong kỳ của CSM không mấy khởi sắc, trong khi chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 24,3 tỷ đồng lên 38 tỷ đồng (tăng 62%) do chênh lệch tỷ giá cũng như tăng chiết khấu thanh toán…

Tình trạng sụt giảm lợi nhuận cũng được ghi nhận tại nhiều CTCK, mà nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến của TTCK trong quý III không thuận lợi, nhiều CTCK phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro giảm giá chứng khoán nên mảng tự doanh không đạt như kỳ vọng.

Quý III, CTCK TP. HCM - HSC (HCM) giảm mạnh doanh thu môi giới và tư vấn, khiến doanh thu và lợi nhuận giảm sâu. Cụ thể, quý III/2015, doanh thu của HCM đạt 153 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 45,3 tỷ đồng, giảm 56%. Lũy kế 9 tháng, HCM đạt 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 55%.

Một số CTCK cũng ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận trong quý III như CTCK SHS, VietinBankSc, BVSC… Trong đó, SHS ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm 79% so với cùng kỳ 2014, đạt hơn 13,5 tỷ đồng. Ngoài yếu tố thị trường không thuận lợi, theo giải trình của SHS, do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán (16,5 tỷ đồng) nên lợi nhuận giảm sút. Thậm chí, việc trích lập dự phòng còn khiến nhiều CTCK ghi nhận lỗ lớn như CTCK Kim Long (quý III lỗ hơn 45 tỷ đồng), Agriseco (AGR)…

Theo AGR, mặc dù doanh thu tư vấn, doanh thu lưu ký có sự tăng trưởng trong kỳ, nhưng doanh thu môi giới giảm 40% xuống còn 7,38 tỷ đồng; doanh thu khác giảm mạnh 58%, còn 15,53 tỷ đồng, đã khiến doanh thu toàn quý sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, các chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí hoạt động, chi phí quản lý đều tăng cũng là nguyên nhân lafàm Công ty lỗ 26,4 tỷ đồng quý III. Lũy kế 9 tháng, AGR lỗ 39 tỷ đồng.             

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục