Quý III “bão tố” của nhiều doanh nghiệp UPCoM

(ĐTCK) Thời điểm kết thúc quý III đã cận kề, các doanh nghiệp nói chung, cũng như doanh nghiệp niêm yết trên sàn UPCoM nói riêng, đều đang tất bật bước vào mùa kinh doanh cao điểm quý IV với kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ được cải thiện, bởi với nhiều doanh nghiệp UPCoM, quý III thực sự là quãng thời gian “bão tố”.
Nhiều khả năng, Vimico sẽ không đạt được kế hoạch đặt ra cho quý III Nhiều khả năng, Vimico sẽ không đạt được kế hoạch đặt ra cho quý III

Tại CTCP DAP Vinachem (mã DDV), trong quý III này, một số nhà máy của của Công ty đã phải tạm ngừng sản xuất do tình trạng giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc DDV, quý III thực sự là giai đoạn khó khăn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón nói chung và phân bón DAP của DDV nói riêng.

Ông Sinh cho biết, biến đổi khí hậu dẫn tới thời vụ nông nghiệp tại khu vực miền Nam đến chậm hơn mọi năm, khiến sản lượng tiêu thụ trong kỳ của DDV sụt giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thừa toàn cầu, giá phân bón trên thế giới giảm mạnh, phân bón giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, khiến các nhà sản xuất phân bón trong nước lao đao. Cũng theo Tổng giám đốc DDV, trong quý IV, khi vào thời vụ của khu vực miền Nam, kỳ vọng tình hình tiêu thụ sẽ khá hơn, qua đó cải thiện được kết quả kinh doanh chung của DDV. 

Tại CTCP Truyền thông VMG (mã ABC), chia sẻ về tình hình hoạt động trong quý III, ông Trần Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty cho biết, 9 tháng đầu năm 2016, những biến động từ thị trường và các chính sách mới của các nhà mạng đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của ABC. Tuy nhiên, do đã có sự chuẩn bị, Công ty kịp thời triển khai nhiều dịch vụ mới, khai thác triệt để các cơ hội kinh doanh, nên doanh thu và lợi nhuận gia tăng đáng kể. Theo tính toán, ABC sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2016 ngay trong quý III này. Mặc dù vậy, ông Dương cho biết thêm, ABC phải chịu tổn thất lớn trong hoạt động tài chính.

Cụ thể, trong quý III, ABC sẽ ghi nhận khoản lỗ 30 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết do trong tháng 8 vừa qua, cổ đông lớn Lingo đã bất ngờ dừng đầu tư và quyết định giải thể CTCP Thương mại điện tử Lingo (công ty mà ABC đang góp 30 tỷ đống vốn, tương ứng tỷ lệ sở hữu 19,76%).

“Vì vậy, tại báo cáo tài chính quý III/2016, ABC sẽ phải ghi nhận khoản tổn thất đầu tư tài chính 30 tỷ đồng. Điều này dẫn tới lợi nhuận từ hoạt động tài chính năm 2016 có khả năng sẽ không đạt kế hoạch. Sau khi giải thể Lingo, ABC chỉ còn 1 công ty liên doanh, liên kết là VNN Plus”, ông Dương nói.

Được biết, năm 2016, ABC đặt kế hoạch doanh thu 2.191 tỷ đồng và lợi nhuận 72,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, ABC đạt doanh thu thuần 3.344 tỷ đồng, vượt 52,6% kế hoạch năm và tăng trưởng 92,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần số lãi cùng kỳ năm trước.

Cũng tại thời điểm cuối quý III, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (mã SGN) đã đón nhận tin tức không vui, khi vừa chính thức “tuột” mất một khách hàng lớn trong tháng 9. Theo thông tin từ SGN, từ ngày 20/9/2016, hãng hàng không All Nippon Airways, thuộc tập đoàn hàng không ANA Holding Inc, đã thay đổi đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, từ SGN sang đơn vị khác là Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS). Bởi trước đó, vào tháng 5, ANA Holdings Inc đã trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines, sau khi mua vào hơn 107 triệu cổ phần, tương đương 8,77% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, mà VIAGS là một trong những công ty con của Vietnam Airlines.

Do đã là thời điểm cuối quý III, việc để mất khách hàng lớn sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh quý IV của SGN. Tuy nhiên, khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm của SGN vẫn cao, khi kết thúc 6 tháng đầu năm, SGN đạt doanh thu thuần 382 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 83,9 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 72,6% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm. Năm 2016, SGN đặt kế hoạch đạt doanh thu 685 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 36% so với thực hiện năm 2015. SGN dự kiến chi trả cổ tức 2016 ở mức 18%.

Không chỉ các công ty cổ phần, quý III cũng là quãng thời gian đầy trắc trở đối với các tập đoàn, tổng công ty. Chẳng hạn, tại Tổng công ty Khoáng sản – TKV (Vimico, mã KSV), trong quý III, KSV phấn đấu đạt doanh thu 850 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khoáng sản là 750 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Vimico thừa nhận, Công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như việc Nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại (có hiệu lực từ 1/7/2016), điều chỉnh tăng phí môi trường (chi phí tăng gần 30 tỷ đồng), trong khi giá bán khoáng sản trên thị trường tiếp tục có những biến động giảm khó lường (đồng tấm, axit, tinh quặng sắt...), khiến công tác tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nên nhiều khả năng kế hoạch trên sẽ khó hoàn thành.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục