Dự báo tình hình xuất nhập khẩu trong quý II/2019, Bộ Công thương nhân định hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mặc dù vẫn tăng trưởng song tốc độ tăng sẽ không cao như cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc – 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của các FTA đã có hiệu lực và triển vọng từ các FTA đã có hiệu lực/đang đàm phán là cơ sở quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Theo đánh giá của Vụ Thương mại đa biên, cùng với những FTA đã có hiệu định trước đó thì việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 sẽ mở ra cơ hội để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường tại các thị trường mới.
Trong đó, Canada, Pêru, Mexico, là 3 nước lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ Hiệp định thương mại tự do (FTA), hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội giao thương.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ USD năm 2018 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, chỉ sau 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng tới 36,6% so với cùng kỳ năm 2018, Mexico tăng 11,2%, chỉ có Pêru giảm 8,3%. Còn với thị trường Nhật bản ước đạt 2,9 tỷ USD.
Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm nay các cơ quan cấp CO cho biết, đã có 269 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) theo mẫu CPTPP được cấp kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam. Trong đó, có 219 CO cấp đi Canada; đối với thị trường Mexico có 14 CO và Peru là 8 CO.
Tính chung cả 3 thị trường tiềm năng (gồm Canada, Mexico và Peru) đã chiếm khoảng 90% số CO mà Việt Nam cấp cho các nước CPTPP. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã sớm nhận ra và nắm bắt được được những cơ hội từ Hiệp định CPTPP, đặc biệt là đối với những thị trường có tiềm năng mà Việt Nam chưa ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu sang khối thị trường này một cách có hiệu quả.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức độ cam kết mở cửa thị trường trong khối CPTPP, dự báo đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khu vực CPTPP có thể tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, tương đương 25% tổng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Trong tương lai dài hạn hơn, tỷ trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tăng thêm 4,04% đến năm 2035. |