Theo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra, nền kinh tế đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại, tín dụng tăng trưởng thấp (hết quý I/2019 mới tăng 2,38%), nhưng bức tranh kinh tế quý đầu tiên của năm nay vẫn có nhiều diễn biến tích cực.
Cụ thể, GDP quý I/2019 tăng 6,79% (thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017), chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2 (cùng kỳ tăng 8,7%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ năm trước tăng 9,9%), xuất siêu 1,56 tỷ USD trong tháng 3...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét, thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I, với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao.
Diễn biến tích cực của nền kinh tế đã được phản ánh khá rõ nét vào thị trường chứng khoán. Từ đầu năm 2019 đến nay, xét theo tháng, các chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng. Tiếp nối đà tăng của tháng 2, chốt tháng 3, cả 3 chỉ số chứng khoán đều tăng so với tháng trước, với mức tăng lần lượt là 1,6%, 1,5% và 4,3%.
Bên cạnh đó, thanh khoản cả trên thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh được cải thiện. Trong tháng 2, giá trị giao dịch trên thị trường cơ sở tăng 54,3% so với tháng 1; giá trị giao dịch trong tháng 3 tăng 2,3% so với tháng 2, trung bình đạt 5.852 tỷ đồng/phiên. Tương tự, giá trị giao dịch trung bình trên thị trường phái sinh trong tháng 3 đạt 11.608 tỷ đồng/phiên, tăng 17,1% so với tháng 2.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vận động theo chiều hướng tích cực, nhiều doanh nghiệp thể hiện cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế, cũng như tình hình sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kế cho thấy, trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 91,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh quý II/2019 là “ổn định và tốt hơn”; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước lần lượt là 86,8% và 88,8%.
Triển vọng tích cực của kinh tế và thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ bởi các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu hạ nhiệt, Fed phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất trong năm 2019...
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Ðầu tư, Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt nhận định, năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn nhiều so với năm 2018, nhờ triển vọng tăng trưởng GDP tiếp tục thuộc nhóm cao nhất châu Á do được hỗ trợ bởi làn sóng vốn FDI gia tăng, xuất khẩu tăng tốc, lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát, triển vọng nâng hạng và làn sóng IPO, thoái vốn nhà nước.
Thực tế, những phiên cuối tháng 3, thị trường chứng khoán có diễn biến điều chỉnh sau khi tăng gần 10% so với đầu năm, nhưng gần đây có diễn biến khả quan trở lại. Trên sàn niêm yết, VN-Index từ dưới 970 điểm ngày 26/3 lên trên ngưỡng 980 điểm. Trên sàn phái sinh, ngày 3/4, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng tăng giá, đóng cửa ở mức cao nhất phiên và giảm mức độ chiết khấu đáng kể so với chỉ số cơ sở.