Nâng hạng bền vững, mục tiêu trước 2025

(ĐTCK) Theo dự kiến, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng sẽ tham gia cuộc Tọa đàm “Công bố thông tin của các doanh nghiệp trên TTCK” do NDH.vn tổ chức vào ngày 4/4/2019.
Nâng hạng bền vững, mục tiêu trước 2025

Tại đây, câu chuyện về nâng hạng TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ được nêu lên, chờ thông điệp của người đứng đầu ngành chứng khoán. Nhiều chuyên gia từng kỳ vọng, TTCK Việt Nam được nâng hạng trong năm 2019, nhưng việc FTSE Russell hạ bậc một số tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam mới đây cho thấy, câu chuyện này không hề dễ dàng.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK cho biết, mỗi tổ chức có các tiêu chí định tính và định lượng khác nhau để xếp loại TTCK, trong đó FTSE Russell phân TTCK thành 2 loại là cận biên và mới nổi, còn MSCI thì phân làm 3 loại: cận biên, mới nổi và khối thị trường phát triển.

Về định lượng, TTCK Việt Nam đạt các tiêu chí “cứng” như số doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD hay tỷ trọng vốn hóa TTCK/GDP, nhưng quan trọng nhất của tất cả các việc xếp hạng là phải đạt tiêu chí định tính. 

Danh sách các nhà đầu tư được các tổ chức trên tham khảo định kỳ ý kiến đánh giá TTCK Việt Nam là bí mật của mỗi tổ chức, nhưng tựu trung lại, nhà đầu tư thường nhìn vào 3 điểm chính để đánh giá. Thứ nhất là tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài (room); thứ hai là độ mở cửa và thuận lơi trong thu hút vốn ngoại và thứ ba là thông tin thị trường có dễ dàng chp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận không?

3 điểm lớn trên, ông Vũ Chí Dũng cho biết, room là câu chuyện có thể sửa trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, nhưng 2 điểm còn lại thì ngành chứng khoán không chủ động được. Độ mở cửa và thuận lợi trong thu hút vốn ngoại là việc phụ thuộc nhiều bộ ngành, nhiều khâu quản lý. Trong khi đó, nhà đầu tư thường đặt câu hỏi: Tôi đầu tư 1 - 2 ngày sau muốn rút ra có được không? Đây là điểm TTCK Việt Nam chưa có câu trả lời hài lòng các nhà đầu tư ngoại.

Về thông tin, thực tế trừ một số văn bản pháp lý có được dịch sang tiếng Anh, còn lại toàn bằng tiếng Việt, khiến nhà đầu tư ngoại không dễ tiếp cận.

Thay đổi hiện trạng này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của các doanh nghiệp, các chủ thể công bố thông tin, chứ nhà quản lý không áp đặt DN phải làm do việc này còn phụ thuộc vào điều kiện của từng DN. UBCK và các Sở GDCK sẽ khuyến khích DN niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, hướng tới kết quả là việc nâng hạng phải thực chất và bền vững trên nền tảng nội lực DN, nội lực thị trường.

Được biết, trong Đề án Cơ cấu lại TTCK đến 2020 và tầm nhìn 2025, Thủ tướng đặt ra mục tiêu trước năm 2025, nâng hạng TTCK Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.

Có lẽ vì hiểu tính chất cần nhiều thời gian của việc nâng hạng, nên tâm lý thị trường đã không bị dao động (VN-Index vẫn tăng điểm) ngay sau khi FTSE Russell công bố đánh giá không mấy tích cực về nâng hạng TTCK Việt Nam. Dù vậy, để nâng hạng trong tương lai gần hay xa, rất cần cải thiện sớm những điểm nhà đầu tư ngoại cần.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục