Từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép cán nóng lại giảm khá mạnh xuống còn 540 USD/tấn. Mức giá này đã tương đương với mặt bằng giá cuối năm 2012. Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), những doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở thời điểm giá tăng trong quý I, có giá bình quân hàng tồn kho cao sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi giá thép cán nóng giảm từ 100 - 120 USD/tấn.
Giá thép cán nóng đã giảm mạnh từ 100-200 USD/tấn do với quý I
“DTL cũng có những lô hàng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá 630 USD/tấn, nên kết quả kinh doanh quý II sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không nhiều, bởi chúng tôi đã ký được hợp đồng xuất khẩu hơn 20.000 tấn thép. Làm hàng xuất khẩu thì giá bán cao hơn, nên tỷ suất lợi nhuận tốt hơn. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa rất khó khăn vì giá đã giảm theo giá nguyên liệu trong khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc rất gay gắt”, ông Nghĩa nói.
Theo tính toán của ông Nghĩa, lợi nhuận quý II của DTL sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào cao, song không đến nỗi lỗ. Được biết, trong tháng 4, doanh thu xuất khẩu của DTL đạt 4 triệu USD, gần bằng một nửa doanh thu trong tháng.
Đại diện của CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) cho biết, hàng tồn kho của Công ty còn một lượng nhập giá rẻ từ trước, nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi giá thép giảm so với quý I. HLA sản xuất tôn cuộn và ống thép là chính và thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa, xuất khẩu chiếm hơn 22% doanh thu.
Từ góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cho biết, giá thép phế liệu, giá phôi và giá quặng nguyên liệu của thép xây dựng cũng giảm, nhưng mức giảm không quá lớn. Khó khăn chính không nằm ở việc giá bán giảm, mà theo lãnh đạo SMC, là vẫn chưa nhìn thấy tín hiệu cải thiện sức mua của thị trường.
“Tháng 4, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã giảm khoảng 30% so với tháng 3. Nhìn chung, các mặt hàng thép khác tiêu thụ cũng chậm, nên trong quý II, SMC dự kiến lợi nhuận không nhiều, trong khi lợi nhuận quý I đạt khoảng 50 tỷ đồng”, ông Anh nói.
Theo khảo sát của phóng viên ĐTCK ở một số doanh nghiệp thép thì lãi suất cho vay giảm vẫn chưa có tác động cải thiện nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa với sản phẩm thép. Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Anh, thị trường bất động sản vẫn “đông cứng”, gần như không có dự án triển khai mới; gói cho vay ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội tới đây chỉ kỳ vọng thúc đẩy hàng tồn kho và những dự án đang mắc kẹt.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Duy Thái, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina (POM) nhận định: “Thép chiếm khoảng 20% trong giá thành bất động sản, nên tương ứng cũng được hưởng lợi 20% trong gói 30.000 tỷ đồng tín dụng hỗ trợ bất động sản được triển khai từ 1/6/2013. Nếu tính tới tác dụng lan tỏa thì tôi cho rằng, ngành thép sẽ có cơ hội tốt hơn, bắt đầu từ quý III trở đi”.
Mặc dù lãi suất ngắn hạn đã giảm mạnh, nhưng theo phân tích của ông Thái, bài toán mới chỉ giải quyết được một nửa vì lãi suất trung và dài hạn vẫn ở mức 13%/năm, mức cao để sản xuất công nghiệp có thể ổn định và phát triển. Các khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp trong quá khứ phải chịu lãi suất cao, hiện nay vẫn đang chịu lãi suất cao. Với lãi suất này, doanh nghiệp không thể cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngay cả ở thị trường nội địa, chứ chưa nói đến thị trường xuất khẩu. “Có tình trạng là doanh nghiệp nội thì đình đốn sản xuất, nhưng doanh nghiệp nước ngoài vẫn tăng trưởng tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, vì họ được vay với lãi suất thấp hơn nhiều. Câu chuyện này đúng với cả ngành thép. Vì vậy, lãi suất trung hạn của các ngân hàng cần phải tiếp tục giảm xuống thì mới có tác động rõ rệt đến tăng trưởng của ngành thép”, ông Thái nói.
Với những khó khăn trên, bức tranh lợi nhuận quý II của doanh nghiệp ngành tôn thép nhìn chung sẽ không còn khả quan như quý I và doanh nghiệp ngành thép xây dựng vẫn tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh cao.