Quý II, doanh nghiệp lớn vẫn đứng vững

(ĐTCK-online) TTCK suy giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5, đến nay chưa có dấu hiệu hồi phục bền vững do NĐT lo ngại kết quả kinh doanh quý II yếu kém của các DN niêm yết. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số DN lớn cho thấy, tình hình không đến mức quá bi đát.
Quý II, doanh nghiệp lớn vẫn đứng vững

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh Việt Nam (REE) cho biết, lãi suất ngân hàng rõ ràng có tác động đến kết quả kinh doanh của Công ty. Nhưng do REE không mở rộng đầu tư, mà chỉ vay vốn lưu động ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng, nên sự ảnh hưởng cũng không quá mạnh. Ước tính, quý II, REE sẽ đạt được chỉ tiêu tương đương quý I, với lợi nhuận sau thuế trên 90 tỷ đồng.

Là DN có thặng dư vốn cổ phần lớn, tham gia đầu tư tài chính vào nhiều lĩnh vực, nhiều NĐT lo ngại khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán của REE trong quý II. Liên quan đến vấn đề này, bà Thanh cho biết, về cơ bản, REE đã thanh lý các khoản đầu tư cổ phiếu, tái cơ cấu đầu tư từ năm trước. Hiện chỉ còn một số khoản đầu tư Công ty tham gia với tư cách là NĐT chiến lược như đầu tư vào CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP)...

"Theo quy định hiện hành, đối với các công ty liên doanh, liên kết mà khoản đầu tư chiếm 20% vốn điều lệ, nếu có chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá vốn thì sẽ được phân bổ trích lập trong vòng 10 năm. Hiện REE đang cân nhắc việc trích lập các khoản đầu tư trong vòng vài năm", bà Thanh nói. Về việc đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tính đến thời điểm này REE mua chưa đáng kể, do giá cổ phiếu này tăng từ khi Công ty công bố mua vào.

"Chúng tôi có khoảng 1.000 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng để chuẩn bị triển khai nhà máy sữa bột và sữa nước. Số tiền này được rút dần thanh toán theo tiến độ dự án. Do đó, việc lãi suất tăng không tác động nhiều đến hoạt động của Công ty", một nguồn tin từ CTCP Sữa Việt Nam (VNM) cho biết. Chưa có số liệu cụ thể, nhưng kết quả kinh doanh của VNM quý II được dự báo vẫn khả quan, tương đương quý I. Trong quý I, VNM đạt 1.006 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2010. Liên quan đến dự án nhà máy sữa bột có công suất 54.000 tấn/năm, nhà máy sữa nước 400 triệu lít/năm tại Bình Dương, hiện máy móc thiết bị đã được nhập về Việt Nam. Dự kiến, đến tháng 7/2012, nhà máy sữa nước sẽ hoàn thành và cuối năm 2012 nhà máy sữa bột đi vào sản xuất. Hoạt động trong ngành nhu yếu phẩm nên lạm phát cao cũng không làm thị phần của VNM bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Kế toán trưởng CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)  cho biết, doanh thu quý II của DN ước đạt trên 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 100 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu xấp xỉ quý I, nhưng lợi nhuận quý II tăng lên do chi phí nguyên liệu đầu vào giảm. Theo ông Kiên, NTP có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch năm do sản lượng tiêu thụ dự kiến tiếp tục tăng mạnh. Công ty đang đẩy nhanh tiến độ chuyển các dây chuyền sản xuất từ Nhà máy số 2 An Đà sang nhà máy mới tại Dương Kinh. Hiện NTP cũng đang lắp đặt dây chuyền sản xuất ống HDPE có thể sản xuất với đường kính lớn nhất là 1.200 mm, lớn nhất tại Việt Nam .

"HCM sẽ xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm nay từ 230 tỷ đồng xuống khoảng 150 tỷ đồng do thị trường biến động không thuận lợi", ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HCM) nói với Đầu tư Chứng khoán. Kế hoạch kinh doanh của HCM được xây dựng từ cuối năm 2010 trên cơ sở giá trị giao dịch bình quân 2 sàn đạt 2.500 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá trị giao dịch chỉ đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng/ngày. Do doanh thu chính đến từ hoạt động môi giới nên thị trường ảm đạm đã ảnh hưởng mạnh đến HCM. Tuy nhiên, do không phải chi phí nhiều cho việc trích lập đầu tư tự doanh và các khoản nợ khó đòi, HCM vẫn duy trì được mức lợi nhuận 15 - 20 tỷ đồng/tháng. Tính chung, 5 tháng đầu năm, Công ty đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Xung quanh việc cho NĐT dùng đòn bẩy tài chính, ông Johan cho biết, HCM khá bảo thủ khi đưa ra tỷ lệ margin thấp, kiên quyết xử lý tài sản đảm bảo khi chạm ngưỡng rủi ro. Điều này giúp Công ty không có nợ xấu, không phải ôm những khoản tự doanh bất đắc dĩ. Tính đến thời điểm này, dư nợ chứng khoán tại HCM khoảng 500 tỷ đồng.

TTCK đang tiến về cuối tháng 6 với những bước đi hết sức thận trọng. Điều này được giải thích bằng việc nghe ngóng thông tin về kết quả kinh doanh tháng 6 và quý II của các DN, cũng như áp lực bán hàng giải chấp để giảm dư nợ cho vay phi sản xuất của các ngân hàng. Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, ngoài những DN thực sự mạnh do ổn định thị phần, có lượng tiền dồi dào, phần lớn DN gặp khó khăn do lãi suất cao, chủ trương thắt chặt đầu tư của Nhà nước. Những DN có hoạt động đầu tư tài chính sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng và đây cũng là yếu tố có thể khiến không ít DN thua lỗ trên sổ sách.           

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục