Quý I/2023, nông nghiệp nóng từ giá heo giảm, diện tích sầu riêng tăng nóng đến thẻ vàng IUU

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thường kỳ quý I và nêu một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Nhung Bùi. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Nhung Bùi.

Giá heo hơi giảm trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi giảm không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên toàn cầu. Ví dụ, giá lợn hơi Trung Quốc từng cao hơn Việt Nam 25.000 – 27.000 đồng/kg thì cách đây 4 ngày, mức giá này là khoảng 2,1 USD/kg, ngang bằng với Việt Nam cũng như một số quốc gia như Philippines, Thái Lan.

Trong khi đó, giá nguyên liệu chăn nuôi liên tục tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng dưới tác động của dịch Covid-19, và “chưa thể khẳng định được khi nào ổn định lại”. Ngoài ra, sức mua của người tiêu dùng giảm xuống; sức sản xuất của người dân kể cả quy mô nông hộ lẫn trang trại đều tốt hơn; việc ứng dụng công nghệ khiến năng suất và chất lượng ngành chăn nuôi được cải thiện, cũng là lý do khiến giá lợn hơi giảm.

“Vấn đề vẫn phải là tập trung cải tiến thị trường trong nước, nhanh chóng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thừa để giảm bớt sức ép thị trường”, ông Chinh nhận định.

Về mặt giải pháp, ở góc độ trực tiếp, Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể để nông hộ giảm giá thành sản xuất, ví dụ hướng dẫn phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, thậm chí tận dụng chất thải chăn nuôi vào mục đích khác để có nguồn thu nhập tăng thêm.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Nhung Bùi.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Nhung Bùi.

Về mặt vĩ mô, Cục Chăn nuôi đã báo cáo Bộ về khai thác ngách hẹp đối với thức ăn chăn nuôi, đó là đề xuất giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu về 0%. Trong thời gian tới, Cục sẽ áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên nhiều mặt đối với các đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định rằng, không cách nào khác là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Hiện, Bộ đã đề nghị Tập đoàn C.P trồng nguyên liệu tại chỗ sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi, bởi hiện nay, mặc dù giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thấp nhưng phụ thuộc vào nhập khẩu khiến Việt Nam bị động. Bên cạnh đó, đích đến là phải tăng chế biến và xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Gỡ thẻ vàng IUU: Cách làm đã rõ, giờ cần cả hệ thống quyết liệt

Tháng 6/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành thanh tra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) lần thứ 4 với Việt Nam.

Để vào cuộc, trong tháng 2/2023, Chính phủ đã ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4."

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong 3 tháng đầu năm 2023, vẫn còn 6 vụ tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, cụ thể là 3 tàu của Bình Định, 1 tàu của Kiên Giang, 1 tàu của Thanh Hóa và 1 tàu của Bình Thuận.

“Chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để gỡ thẻ vàng”, ông Hùng nhận định.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, mặc dù các tỉnh thành, địa phương đã tích cực kiểm tra nhưng vẫn gặp khó khăn vì vướng mắc liên quan đến kinh phí và nguồn lực thực hiện. Ông dự đoán “đợt tới, khi EC sang kiểm tra thì có thể vẫn còn sai sót”.

Trao đổi về vấn đề gỡ thẻ vàng IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu là hai nhiệm vụ quan trọng nhất. Ông Tiến dẫn số liệu cho thấy trong năm 2022, Việt Nam có 81 vụ vi phạm với 101 tàu và 959 người, đồng thời tái khẳng định điểm mấu chốt là “nếu còn tàu vi phạm thì không thể gỡ thẻ vàng IUU”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận, dù EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực tuy nhiên, Việt Nam và EC vẫn đang ở thế giằng co. Ông đề xuất cần bổ xung thêm các thiết bị xử phạt hành chính, giống như ngành giao thông có camera hay máy đo nồng độ cồn, như vậy sẽ có đủ căn cứ bằng chứng để xử phạt.

Ngoài ra, Thứ trưởng nói thêm rằng, vấn đề truy suất nguồn gốc cũng là bài toán cần quan tâm. Đã từng có trường hợp sau khi thanh tra, đoàn thanh tra phát hiện có vùng biển đánh được tới 7 tấn cá kiếm trong một mẻ lưới; trong khi một vị thanh tra 24 năm kinh nghiệm khẳng định “giỏi lắm thì đến 1 tấn thôi”.

“Như vậy là họ đã mua nguyên liệu không có nguồn gốc vào để hợp thức hóa, rõ lắm. Nếu có đủ trang thiết bị thì tàu nào định vị ở đâu, hải trình thế nào truy là ra hết”, Thứ trưởng khẳng định.

Ông cũng nói thêm, hiện có nhiều trường hợp tàu cá vi phạm, nhưng gửi thông tin xuống địa phương thì không trả lời hoặc chỉ xử lý nhắc nhở, như vậy không đạt hiệu quả xử phạt. Ông cho rằng, sau 5 năm kể từ khi bị EC ra cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản (ngày 23/10/2017), Việt Nam đã rõ thực trạng và biện pháp giải quyết, vấn đề lúc này là tổ chức thực hiện, cũng như cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mới gỡ được.

Phát triển “nóng” diện tích trồng sầu riêng

Thời gian qua, sầu riêng được tiêu thụ mạnh, xuất khẩu tốt, nhất là thị trường Trung Quốc khiến giá tăng cao. Ở một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có hiện tượng phát triển ồ ạt diện tích cây trồng này. Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thừa nhận có tính trạng này, thậm chí người dân còn mượn mã số vùng trồng sầu riêng của nhau.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Nhung Bùi.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Nhung Bùi.

Ông Đức cho biết, trước đây sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu khiến vùng trồng dịch chuyển sang Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam có 75.000 ha trồng sầu riêng, đó là chưa kể đến hình thức tái canh và thử nghiệm các giống sầu riêng mới.

“Nhưng với tình hình phát triển nóng như hiện nay thì con số này rất sớm đạt được”, ông Đức thừa nhận.

Vị đại diện Cục Trồng trọt cho biết để giảm tình trạng phát triển “nóng” của vùng trồng sầu riêng, Bộ đã có Chỉ thị 8084/CT-BNN-TT năm 2022 về phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, trong đó đề xuất xây dựng phát triển vùng trồng sầu riêng gắn liền với hoạt động chế biến của doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục Trồng trọt cũng tích cực rà xoát, xây dựng hồ sơ cung cấp mã số vùng trồng, đồng thời khuyến cáo nông dân không tự phát chuyển đổi cây trồng chính, ví dụ tại Tây Nguyên, nơi nhiều người chuyển từ trồng cà phê, hồ tiêu sang sầu riêng.

Liên quan đến vấn đề cạnh tranh với sầu riêng của Thái Lan hay chính Trung Quốc cũng đang tự mở rộng diện tích vùng trồng, ông Lê Văn Đức cho rằng, vấn đề không quá đáng ngại khi sầu riêng Việt Nam sản xuất theo kiểu giải vụ, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đây cũng là thời điểm các nước khác phải đổi mặt với mùa đông hoặc mùa khô, nên Việt Nam vẫn có ưu thế xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Đức đặt vấn đề cần tăng cường xây dựng cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sầu riêng và đặt liên kết với nông dân. Ngoài ra, Việt Nam cần quản lý chặt chất lượng cây giống bởi nếu muốn giá xuất khẩu sầu riêng cao, ngoài sản lượng cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục