Du lịch nông nghiệp, nông thôn, hay còn gọi là “Nông - Du lịch”, theo thuật ngữ tiếng Anh: “Agritourism”, là xu thế ngày càng được ưa chuộng, theo nhận định của nhiều chuyên gia. Trên thế giới, loại hình du lịch này đã hình thành từ rất lâu, gắn với những tên gọi khác nhau như: Du lịch cộng đồng, Du lịch sinh thái, Du lịch trải nghiệm, Du lịch nông trại, Kỳ nghỉ đồng quê, homestay, village-stay… Du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một ngành kinh tế tích hợp, đưa sản vật nông nghiệp, đặc trưng nông thôn, trở thành tài nguyên phục vụ du lịch.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 cũng đã bổ sung nội dung thành phần về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Qua thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn, nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn, nhờ làm du lịch. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, nhờ vào du lịch. Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức, nhờ vào du lịch.
Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là định vị hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, thông qua đó có thể tiếp thị, quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn. Đó là giới thiệu, quảng bá hình ảnh nông thôn Việt Nam giàu bản sắc văn hoá, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, mến khách. Đó là tăng tính cấu kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê. Đó là khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, với thiên nhiên, với người nông dân. Đó là tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn, hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về, đáng tìm đến.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khó khăn, hạn chế. Nhiều địa phương chưa nhìn thấy những tiềm năng từ loại hình du lịch này. Vì chưa hình dung hết, nên còn thiếu quan tâm, tạo điều kiện chăm chút, hoàn thiện dần. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết. Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng. Cơ chế chính sách hỗ trợ chưa trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang giá trị xã hội.
Du khách trải nghiệm du lịch miền đồng quê |
Trên tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Thứ nhất, đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về tầm quan trọng và giá trị tích hợp của du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch. Với cách thức tiếp cận này, tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào Chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt, góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Tư duy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phải theo hướng “đa dạng trong thống nhất” - đa dạng về sản phẩm, điểm đến, gắn với đặc trưng vùng miền, nhưng thống nhất về chiến lược kết nối và hỗ trợ, về cách thức tổ chức, tính kết nối. Cần chuẩn hoá các điều kiện xếp hạng, phân bổ nguồn lực, tăng cường vai trò tư vấn của cơ quan chuyên môn và các chuyên gia quan tâm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, vấn đề quy hoạch cần phải được quan tâm. Cần sớm đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc,… Đây là tiền đề rất quan trọng để tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Thứ ba, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Sử dụng hiệu quả và phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách. Phát triển hài hòa, lấy cộng đồng làm trung tâm, là cơ sở phát triển sản phẩm du lịch.
Thứ tư, tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn, nhằm giới thiệu, lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Thứ năm, cần thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương. Thúc đẩy chương trình quốc gia về xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động giới thiệu, xúc tiến, quảng bá loại hình du lịch này cũng cần trở thành một điểm nhấn, một thông điệp mới mẻ, một sự kiện ở tầm quốc gia. Mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc - không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu đến du khách, mà còn tạo động lực khơi dậy sự đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng trong làm du lịch.
Thứ sáu, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Bên cạnh đó, sự đa dạng và đặc thù của du lịch nông nghiệp, nông thôn yêu cầu mỗi địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên điều kiện của từng địa phương. Các chính sách hỗ trợ về phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… cần được xem xét, lồng ghép phù hợp. Các địa phương quan tâm, tạo điều kiện bằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển loại hình du lịch còn nhiều tiềm năng này.
Mong nhiều người đến trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, để cảm nhận được “làn gió mới, sức sống mới” từ các cộng đồng người dân nông thôn cùng nhau làm du lịch.