Qúy I/2016: OPC đạt 27,2% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 25 tỷ đồng

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Dược phẩm OPC (OPC) vừa diễn ra sáng 9/4 , Đại hội đã thống nhất thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu đạt 680 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 95 tỷ đồng, cổ tức chia theo tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Qúy I/2016: OPC đạt 27,2% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 25 tỷ đồng

Theo đó, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐQT OPC dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế bình quân năm đạt từ 5%-7%.

Tính đến hết quý I/2016, doanh thu OPC ước đạt 185 tỷ đồng, chiếm 27,2% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng, đạt 26,3% so với chỉ tiêu đề ra.

Kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015, OPC đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 13,5%, tăng trưởng lợi nhuận 7,2%. Duy trì mức cổ tức từ 20% trở lên qua các năm. Công ty cũng đã di dời thành công nhà máy ở khu đất 1017 Hồng Bàng về Bình Dương mà không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu sản phẩm.

Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, OPC đã thực hiện 5 lần tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ESOP, nâng tổng vốn điều lệ hiện nay lên 253,1 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2016, OPC sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh thuốc phiến và dự kiến bắt đầu phát sinh doanh thu mảng này trong năm nay.

Theo nhận định của HĐQT, thuốc phiến sẽ được đưa vào chữa trị tại các bệnh viện Đông Y và cở sở y học cổ truyền. Doanh thu thuốc phiến phụ thuộc vào mức độ hấp thụ của thị trường, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 5% trong tổng cơ cấu. Thêm vào đó, Nhà nước cũng có những chính sách mới trong việc khuyến khích sử dụng thuốc nam và dược liệu, trong đó có thuốc phiến và quy định để đưa hoạt động kinh doanh mảng này đi vào nề nếp.

Trong năm, công ty tiếp tục phát huy hiệu quả dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu tại Bắc Giang và từng bước áp dụng GACP theo lộ trình của Bộ Y Tế Việt Nam đối với các dược liệu chủ lực.

Về đầu tư, OPC dự kiến khởi công xây dựng Chi nhánh Hà Nội vào tháng 4/2016, mở rộng đầu tư trực tiếp, tăng hiệu quả đầu tư thay vì như trước đây phải đấu thầu thông qua công ty dược địa phương.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện OPC cho biết, vừa qua ĐHCĐ của CTCP Dược TW 25 đã thống nhất và thông qua tỷ lệ sở hữu của OPC lên 60%, như vậy sau khi hoàn tất thủ tục sở hữu, trong thời gian tới OPC có thể sẽ trở thành công ty mẹ của Dược TW 25, qua đó phối hợp với Dược TW 25 phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tại đại hội, phần thảo luận chỉ ghi nhận duy nhất ý kiến từ cổ đông tổ chức là Công ty Quản lý Quỹ SSI, cổ đông này cho rằng mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 5-7%/năm mà HĐQT OPC dự kiến là khá khiếm tốn, chỉ ngang ngửa mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trong khi tiềm năng phát triển ngành dược phẩm trong tương lai tương đối lớn. Cổ đông này kỳ vọng tăng trưởng bình quân của OPC sẽ ở mức cao hơn.

Ở chiều ngược lại, lý giải của HĐQT OPC lại cho rằng tăng trưởng bình quân của OPC phụ thuộc nhiều vào đóng góp của các chi nhánh và đòi hỏi kế hoạch chi tiết cụ thể, cũng như khả năng hấp thụ của thị trường. Vì vậy căn cứ tình hình thực tế OPC chỉ có thể đưa ra mức dự đoán như hiện tại.

Tính đến nay, OPC có tổng cộng  9 chi nhánh trải dài khắp cả nước, hơn 15.000 đối tác bao gồm các nhà thuốc, công ty dược, cơ sở điều trị. Ngoài ra, OPC cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng đại diện tại Quảng Châu, Trung Quốc nhằm xúc tiến các hoạt động giao thương trong ngành giữa hai nước.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục