Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2020, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
Ðể đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh toàn nền kinh tế khó khăn như hiện tại, các công ty bảo hiểm đã rất nhanh chóng và linh hoạt chuyển đổi sang phương thức giao dịch trực tuyến, từ bán bảo hiểm tới cung ứng các dịch vụ trước, trong và sau bán bảo hiểm.
Yếu tố quan trọng hơn là hầu hết các công ty bảo hiểm đều nhanh chóng thiết kế nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp.
Ðối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, việc tuyển dụng mới tiếp tục tăng trưởng (do chính sách thi tuyển đại lý mới được thay đổi linh hoạt trong bối cảnh dịnh bệnh) cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng trưởng phí bảo hiểm mới…
Chính vì thế, dù chủ trương giãn cách xã hội khiến các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm không có nhiều cơ hội tiếp xúc, tư vấn bảo hiểm cho khách hàng; các tổng đại lý không tổ chức được các hội thảo giới thiệu bảo hiểm…, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan trong quý vừa qua.
Một điểm tích cực nữa giúp ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng trong “cơn bão” khó khăn chung của cả nền kinh tế là nhận thức và nhu cầu của người dân về bảo vệ sức khỏe, gia đình, về vai trò của bảo hiểm đối với bảo hiểm sức khỏe… ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, cùng với việc bảo hiểm sức khỏe con người vẫn tăng trưởng tốt vì người dân mua đề phòng rủi ro thì việc giãn cách xã hội, hạn chế giao thông khiến tổn thất tai nạn giao thông giảm, kéo theo bồi thường bảo hiểm xe cơ giới cũng kéo giảm xuống (bảo hiểm xe cơ giới là lĩnh vực có doanh thu cao chủ chốt cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhưng tỷ lệ bồi thường tổn thất cũng không kém)…
“Về cơ bản, dù dịch bệnh kéo dài từ đầu năm gây ra nhiều xáo trộn nhưng ngành bảo hiểm vẫn nỗ lực mọi cách để giữ được chỉ số tăng trưởng dương 2 con số. Tuy nhiên, tình hình quý II/2020 và các quý tiếp theo có tiếp tục khả quan hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, bởi nhiều yếu tố không thuận bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp bảo hiểm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Theo vị này, dù ngành bảo hiểm nói chung vẫn tăng trưởng nhưng không phải là viễn cảnh chung của tất cả các doanh nghiệp cũng như các nghiệp vụ bảo hiểm.
Chẳng hạn, đối với bảo hiểm xe cơ giới, mặt tích cực là tỷ lệ bồi thường giảm nhưng khai thác mới khó khăn cũng khiến tăng trưởng nghiệp vụ này trong quý I/2020 của công ty âm 8%.
Ngoài ra, bảo hiểm sức khỏe con người tăng trưởng tốt trong quý I/2020 một phần nhờ các sản phẩm bảo hiểm Covid-19. Tuy nhiên, theo quy định mới, sản phẩm này đã ngưng bán, vì vậy doanh thu nghiệp vụ này cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%... cũng sẽ khiến các nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm hàng hóa… gặp khó khăn.
Ðối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khai thác mới tăng trưởng chủ yếu nhờ tuyển dụng mới nhưng việc tuyển dụng mới hiện tại lại đang gặp khó khăn vì quy định mỗi lần thi tuyển đại lý mới hạn chế số người trong thời gian cách ly toàn quốc. “Ðiều này sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển dụng đại lý mới”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.