Quỹ hưu trí tự nguyện cần thêm ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện ra đời với mong muốn tăng tính gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định tài chính cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, qua đó giảm thiểu áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội.
Tại Việt Nam, mô hình quỹ hưu trí tự nguyện còn chưa phổ biến, cho dù quan trọng với người trong độ tuổi hưu trí Tại Việt Nam, mô hình quỹ hưu trí tự nguyện còn chưa phổ biến, cho dù quan trọng với người trong độ tuổi hưu trí

Nhiều tiềm năng

Lấy ví dụ, một người lao động với thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, nếu mỗi tháng đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện 100.000 đồng thì sau 40 năm, với tổng số vốn đóng là 48 triệu đồng sẽ nhận lại khoảng 300 triệu đồng. Đây là một khoản tích lũy đáng kể với những người lao động thu nhập thấp và con số này sẽ càng lớn khi khoản đóng góp hàng tháng tăng lên. Nguồn tài sản này sẽ đảm bảo một phần lớn nhu cầu cá nhân của người lao động mà không cần tốn thời gian quan tâm nghiên cứu, đầu tư vào các sản phẩm tài chính.

Trên thực tế, việc xây dựng quỹ hưu trí là rất quan trọng trong chiến lược tài chính cá nhân của mỗi người. Nó không chỉ là một khoản tiết kiệm đơn thuần sinh lãi, mà còn là khoản sinh hoạt phí và chi phí chăm sóc y tế cũng như các chi phí khác dành cho người về hưu trong một khoảng thời gian dài.

Tính đến đầu năm 2024, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) đã cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản hưu trí cá nhân cho 4 công ty quản lý quỹ gồm Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital (DC), Công ty cổ phần Quản lý quỹ MB (MBCapital), Công ty cổ phần Quản lý quỹ SSI (SSIAM) và Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).

Bên cạnh đó, một số quỹ như Công ty TNHH Quản lý Quỹ I.P.A, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank, Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment (Việt Nam)… cũng đã nộp hồ sơ và đang chờ Bộ Tài chính cấp phép hoạt động.

Theo số liệu của VSDC, tổng số tài khoản hưu trí cá nhân tăng vọt từ 1.699 tài khoản vào cuối năm 2022 lên 21.168 tài khoản vào cuối năm 2023 và tới thời điểm hiện tại là hơn 22.000 tài khoản. Dù vậy, đây vẫn là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng của loại hình quỹ này.

Ở các nước phát triển, mô hình quỹ hưu trí tự nguyện được phổ biến rộng rãi và một trong những yếu tố phát huy hiệu quả là nhờ chính phủ có chính sách ưu đãi thuế…

Là công ty quản lý quỹ tiên phong triển khai quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai, doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là nhóm nhân sự chất lượng cao, ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc tích lũy cho an sinh tuổi già và đầu tư cho tương lai. Với doanh nghiệp nước ngoài, một trong những lý do lớn là nhu cầu đồng bộ phúc lợi với chính sách toàn cầu giữa nhân viên các quốc gia đang hoạt động kinh doanh. Còn với các doanh nghiệp nội địa, đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện tầm nhìn về chiến lược đãi ngộ nhân sự không chỉ trong ngắn hạn, mà còn có những chính sách phúc lợi dài hạn cho cả cuộc đời lao động.

Còn bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho hay, nếu triển khai quỹ hưu trí tự nguyện càng sớm thì sẽ càng nhanh giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho đất nước. Việc tham gia quỹ hưu trí tự nguyện đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người lao động, đồng thời phù hợp với nhiều đối tượng người lao động.

Theo bà Nga, việc vận hành quỹ được quy định và giám sát rất chặt chẽ từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh - Xã hội…, tài khoản của người lao động tham gia được lưu ký tại VDSC và có ngân hàng giám sát, do vậy có thể đảm bảo tính minh bạch về pháp lý và sự ổn định bền vững trong dài hạn. Danh mục đầu tư của các quỹ hưu trí cũng được kiểm soát rất chặt chẽ khi tối thiểu 50% vốn phải là đầu tư vào trái phiếu chính phủ… Bên cạnh đó, khi tham gia quỹ hưu trí, doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập.

Vẫn còn băn khoăn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 và hiện có 10 quỹ do 4 công ty quản lý quỹ được cấp phép thành lập với tổng trị giá tài sản đến cuối năm 2023 là 857,9 tỷ đồng.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc đầu tư công ty quản lý quỹ đang quản lý một quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho biết, đây chỉ mới là giai đoạn đầu phát triển nên các quỹ chưa đặt vấn đề lãi/lỗ ở nghiệp vụ này và phần lớn trong những năm đầu tiên hoạt động là lỗ, điều quan trọng là làm sao sản phẩm này được tiếp cận với càng nhiều người lao động càng tốt.

Cũng theo vị này, tuy khung pháp lý triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung hiện khá đầy đủ, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số băn khoăn. Chẳng hạn, liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, câu hỏi đặt ra là liệu có thể áp dụng mức giảm trừ trong trường hợp người tham gia đóng gộp vào quỹ quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hay không? Trong trường hợp người tham gia sẽ đóng một lần một khoản, ví dụ 12 triệu đồng cho cả năm (tương đương mỗi tháng 1 triệu đồng), thì thuế thu nhập cá nhân có được thực hiện quyết toán theo năm và theo quy định là tính mức trung bình hàng tháng trong năm?

Ngoài ra, việc diễn giải thuế thu nhập cá nhân cho người tham gia đầu tư vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện còn chưa rõ ràng, thậm chí còn nhầm lẫn với quỹ hưu trí khác. Việc giảm trừ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chưa được hướng dẫn đầy đủ cho các trường hợp nghỉ đột xuất trước khi đến thời hạn lĩnh hoặc trong thời gian chi trả. Hay như việc kê khai, quyết toán, lưu trữ các chứng từ và tài liệu kê khai thuế liên quan đến quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cũng chưa được xác định rõ ràng nên dễ gây vướng mắc cho người tham gia quỹ cũng như đơn vị quản lý quỹ này.

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh cho biết, ở các nước phát triển, mô hình quỹ hưu trí tự nguyện được phổ biến rộng rãi và một trong những yếu tố phát huy hiệu quả là nhờ chính phủ có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích người lao động tham gia và bản thân các doanh nghiệp, do nhu cầu cạnh tranh thu hút nhân sự, cũng tạo điều kiện để tất cả người lao động có cơ hội tham gia.

Tại Việt Nam, theo đại diện Dragon Capital Việt Nam, để khuyến khích sự tham gia từ người lao động và người sử dụng lao động, mức ưu đãi thuế cần được nâng lên và điều chỉnh để đuổi kịp lạm phát. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được khấu trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 3 triệu đồng/tháng/nhân viên và người lao động được khấu trừ 1 triệu đồng/tháng cho thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi tham gia quỹ hưu trí tự nguyện - là mức rất thấp so với các nước có mô hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thành công.

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc thông tin, qua theo dõi 4 doanh nghiệp kinh doanh quỹ hưu trí tự nguyện, số người tham gia chưa nhiều, chủ yếu là cán bộ và người lao động trong hệ thống (khoảng 5.000 người). Về phía Bộ Tài chính, một mặt khuyến khích phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, mặt khác cũng coi trọng việc giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia đến khi về hưu, bởi hưu trí tự nguyện có thời gian hoạt động tối đa lên đến 99 năm nên rủi ro sẽ cao khi doanh nghiệp hay quỹ không bảo toàn được tài sản, bị lỗ hoặc thậm chí phá sản, ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người tham gia bảo hiểm. Đây cũng là lý do đến thời điểm hiện tại mới chỉ 4 công ty quản lý quỹ được cấp phép hoạt động quỹ này.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí tự nguyện để xây dựng, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục