Tại phiên hiến kế Vốn – Tài chính cho nền kinh tế diễn ra trước phiên toàn thế của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 sáng 5/2, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đề cập đến nhiều giải pháp giúp phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.
Trong đó có việc tăng cường hợp tác với nhà nước, giúp người dân hiểu được sự an toàn, mục tiêu của quỹ hưu trí tự nguyện; mang lại cho họ kênh phân phối rõ ràng...
Với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, cả nước có 6 trên 18 doanh nghiệp có sản phẩm này, tổng tài sản đạt 2.677 tỷ đồng. Trung bình, khoảng 500 tỷ đồng một năm đầu tư cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Về quỹ hưu trí tự nguyện, từ năm 2016 mới có một doanh nghiệp đề xuất cấp phép đủ hoạt động kinh doanh và dự kiến sẽ được cấp phép trong vài tháng tới.
Theo ông Andy Ho, tại nhiều quốc gia, sau khi đầu tư nhiều tháng, nhiều năm người dân có thể tích lũy số tiền lớn, họ có thể rút khoản tiền này bất cứ khi nào cần hoặc dùng để vay như tài khoản thế chấp cho các khoản vay lớn hơn tùy nhu cầu thực tế.
Thế nhưng làm thế nào để khuyến khích người dân đầu tư vào quỹ hữu trí?
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, mỗi kênh đầu từ đều có có lợi thế riêng. Với tiền gửi, cá nhân có thể chủ động rút, mở tài khoản và được đảm bảo bởi các quy định của luật tín dụng... Đây cũng là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc phát triển quỹ hưu trí phụ thuộc vào tâm lý của người dân bởi họ luôn cân nhắc đầu tư kênh nào hiệu quả hơn. Để đầu tư vào các sản phẩm của các công ty quản lý quỹ, lợi nhuận khoảng 15-17% nên thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Vì vậy, việc phát triển quỹ hưu trí cần có sự phối hợp giữa chính phủ, các doanh nghiệp. Nếu lãi suất thị trường vốn đi xuống thì lãi suất ngân hàng cũng phải tương ứng. Ngoài sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách để hỗ trợ người lao động.
Bà Hiền cho biết, việc phát triển hưu trí tự nguyện đang có 2 sản phẩm là bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện. Hai mục tiêu quan trọng là phát triển xã hội và tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực tài chính trong cá nhân và doanh nghiệp còn hạn chế nên việc phát triển chưa đúng khả năng. Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen để tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hay quỹ hưu trí... Nguyên nhân chủ yếu do họ chưa được tiếp cận thông tin.
“Quỹ hưu trí tự nguyện chưa được triển khai như mong muốn bởi đây là sản phẩm có sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động. Mọi người chỉ có thể tham gia nếu doanh nghiệp có chính sách cho người lao động, trong khi người dân cũng có nguồn lực tài chính nhất định", bà Hiền nói.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần truyền thông thêm về quỹ hữu trí. Các ngân hàng hoạt động theo luật tín dụng, các công ty quỹ lại có quy định khác nhau... nên việc phát triển quỹ hưu trí cũng cần có quy định rõ ràng.
Để truyền thông về quỹ hưu trí, bản thân sản phẩm phải có tính hấp dẫn nhà đầu tu. Thị trường thứ cấp cũng cần phát triển tương xứng để khi cần thanh khoản, nhà đầu tư sẽ có kênh uy tín.
Trong khi đó, ông Andy Ho cho rằng, để thuyết phục nhiều doanh nghiệp và người lao động có 3 phần, thứ nhất là mục tiêu, khi doanh nghiệp nộp 3-4 triệu đồng, có chế độ nghỉ hưu, khuyến khích họ ở lại lâu dài với doanh nghiệp. Về chế độ thuế, số tiền trích vào quỹ chưa trả thuế; mong muốn lợi nhuận: 3 - 5 năm, quỹ trái phiếu khoảng 11-12%, nếu đầu tư vào chứng khoán, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh.
“Cuối cùng, quỹ hưu trí không phải quỹ để cạnh tranh mà mở ra nhiều kênh đầu tư đa dạng hóa, tạo sự an toàn, tiềm năng cho người dân", ông Andy Ho nói.