Ông có thể cho biết những điểm mới, khác biệt của hai bản quy hoạch vừa được công bố?
Sự khác biệt lớn nhất ở đây là thời điểm làm quy hoạch. So với quy hoạch trước đã làm hơn chục năm trước, thời điểm hiện nay đã có những thay đổi từ những điều kiện trong nước, ngoài nước, tiềm lực trong nước, tiềm lực của các địa phương trong vùng quy hoạch.
Về nội dung quy hoạch, đã xuất hiện những quan điểm, tư tưởng mới về kinh tế. Những mô hình tăng trưởng, đánh giá về nền kinh tế thị trường trước đây mặc dù đã có, nhưng chưa thể cụ thể, đầy đủ như hiện nay. Vì vậy, nội dung quy hoạch đã có nhiều vấn đề mang tầm chiến lược, xây dựng trên cơ sở pháp lý, việc huy động nguồn lực phù hợp với điều kiện phát triển… Một thay đổi quan trọng về bản chất, đó là việc thực hiện quy hoạch, tư tưởng trước đây cái gì cũng do Nhà nước làm, nhưng quan điểm của quy hoạch lần này đã có sự thay đổi.
Đơn cử như việc huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư không chỉ còn là Nhà nước, mà huy động mọi nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, tư nhân và cả hợp tác công tư (PPP) - vấn đề trước đây chưa có.
Xây dựng được quy hoạch đã khó, nhưng thực hiện quy hoạch sẽ khó gấp bội, thưa ông?
Tất nhiên sẽ có những nội dung khó thực hiện nếu như cải cách về thể chế, cơ chế chính sách không tốt. Ví dụ, để huy động được nguồn lực, cần tăng cường mô hình PPP. Nhưng muốn làm tốt mô hình này thì lại phải làm rõ, xác định sớm về khuôn khổ pháp lý để thực hiện, để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài và cần phải có vốn đối ứng của Nhà nước để cùng nhà đầu tư hợp tác thực hiện dự án.
Như vậy, ngoài phần mềm là thể chế chính sách, thì còn phải có phần cứng là nguồn vốn để tạo cơ sở vật chất… Đấy là hướng đích chính trong nội dung các bản quy hoạch lần này.
Một cái khó nữa, đó là các công trình, dự án lớn phải huy động rất nhiều nguồn lực, nhưng lại quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế thì cách huy động nguồn lực như thế nào, sử dụng nguồn vốn ra sao… Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì những cái khác sẽ bị vỡ. Ngoài ra, bên cạnh câu chuyện huy động nguồn lực, thì cần chú ý việc phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, không phải theo ý chí chủ quan mà phải theo thị trường.
Ông vừa nói đến câu chuyện đầu tư nguồn lực để thực hiện các công trình, dự án lớn, vậy các địa phương cần làm gì để vừa tập trung được nguồn lực, vừa tránh được chuyện đầu tư dàn trải?
Thực tế, đây là vấn đề còn rất nhiều tranh luận. Trước hết là câu chuyện phối hợp. Nếu các địa phương đưa ra các tiềm năng, lợi thế khá giống nhau thì khó có thể nói, tại sao địa phương này làm mà địa phương khác lại không được làm, không ai cấm được điều này cả. Do vậy, có những sự đầu tư tương đối giống nhau dẫn tới hiệu quả không cao. Để tránh chuyện này, các địa phương, nhất là ở trong một vùng kinh tế trọng điểm, cần ngồi lại với nhau, bàn bạc, chọn lọc dự án để làm, thay vì “mạnh ai nấy làm”.
Ngoài ra, cần tăng tính liên kết để nâng cao hiệu quả dự án. Ví dụ, tỉnh A có một dự án đường giao thông, thì nên thông tin với tỉnh liền kề để có kế hoạch đầu tư, kết nối phát huy hiệu quả con đường… Như vậy, sẽ giảm thiểu được sự đầu tư dàn trải.
Trong thực tiễn thì sẽ có địa phương đi trước nên đã có hướng đi, cách làm rồi và thế là địa phương đi sau cũng làm đúng như vậy mà không có lựa chọn để tạo sự khác biệt - khác biệt để khai thác hiệu quả hơn…
Tận dụng sự liên kết để phát huy hiệu quả quy hoạch, nhưng làm gì để tạo liên kết ngang giữa các địa phương với nhau và liên kết dọc với Trung ương mà không phá vỡ quy hoạch, thưa ông?
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch riêng, nhưng kế hoạch này cần có sự tham khảo của địa phương bên cạnh, trong vùng, khó có thể phát triển mà lại “mỗi ông một phách”.
Trung ương thì không thể mời từng địa phương, cầm tay chỉ việc theo từng công trình, dự án. Nhưng bằng chính sách, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương theo phân cấp thì cần có chỉ đạo, tạo điều kiện cho sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương. Vì vậy, vấn đề quan trọng, nhưng cũng khó thực hiện là cơ chế sử dụng nguồn lực Trung ương hỗ trợ địa phương.
Có ý kiến cho rằng, cần bỏ bớt danh mục dự án được nêu trong quy hoạch, ông thấy ý kiến đó thế nào?
Theo tôi, đây là ý kiến khá xác đáng. Tuy nhiên, việc này còn liên quan đến những bước sau này. Đó là nghiên cứu tiền khả thi, khả thi các dự án trên cơ sở đó lựa chọn dự án ưu tiên. Tất nhiên, có thể có những dự án được lựa chọn ưu tiên mang tính định tính, nhưng đến bước chuẩn bị nguồn vốn, ra quyết định đầu tư… nếu được tuân thủ đúng các quy định thì sẽ tránh được việc đầu tư dàn trải, đầu tư những dự án mà hiệu quả đem lại không cao.