Quy hoạch ga Hà Nội, từ góc nhìn văn hóa

(ĐTCK) Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận đang thu hút được sự chú ý của toàn xã hội. Và có lẽ, với một công trình mang tính di sản, chúng ta cũng nên nhìn nhận thêm việc quy hoạch từ góc nhìn của những người làm công tác nghiên cứu văn hóa.
Theo các chuyên gia, đồ án mới cần phải làm tốt việc bảo vệ phần ga cũ với kiến trúc Pháp đặc trưng - Ảnh: Nguyễn Thành. Theo các chuyên gia, đồ án mới cần phải làm tốt việc bảo vệ phần ga cũ với kiến trúc Pháp đặc trưng - Ảnh: Nguyễn Thành.

Lo ngại về quy hoạch và kiến trúc

Được xây dựng từ năm 1902, đến nay, ga Hà Nội đã có trên 1 thế kỷ tắm nắng, gội mưa cùng Thủ đô. Vượt lên trên vai trò của một công trình giao thông công cộng đơn thuần, ga Hà Nội trở thành một di tích lịch sử, thành một phần của kiến trúc, văn hóa Hà Nội.

Chính bởi điều này, việc tái cấu trúc, kiến tạo lại không gian của ga với công năng, chức năng và kiến trúc khác phải được thực hiện hết sức cẩn trọng để vừa đạt được mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng cho Thủ đô, vừa không vấp phải những phản ứng từ dư luận.

Vấn đề mà bản thân Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 do UBND TP.Hà Nội đề xuất đang vướng phải chính là các quy định quy hoạch kiến trúc trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. Bởi theo quy hoạch chung về xây dựng, thì tại khu vực ga Hà Nội, chiều cao tối đa của công trình chỉ là 18 tầng.

TS. Mai Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định: “Việc đề xuất xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng tại khu ga hiện tại sẽ gây khó khăn cho công tác quy hoạch chung của thủ đô sau này”.

Quy hoạch ga Hà Nội, từ góc nhìn văn hóa ảnh 1

Ảnh internet. 

Theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc, kiến tạo lại không gian của ga với công năng, chức năng và kiến trúc khác phải dựa trên quy hoạch chung của Thành phố, đó được coi là pháp lệnh về mặt xây dựng mà chúng ta có trách nhiệm tuân theo. Quan trọng hơn, quy hoạch này cần mang tầm nhìn dài hạn.

Hiện Hà Nội đang có sự quá tải về hạ tầng do sự tăng nhanh về quy mô dân số. Một định hướng đang được Thủ đô theo đuổi trong thời gian qua là giảm tải cho khu vực nội đô, khu phố cổ, hạn chế việc phát triển nhiều dự án chung cư, tòa nhà văn phòng tại nội đô. Nhiều chuyên gia đang lo ngại rằng, với việc xây dựng các bất động sản cao tầng ở khu vực ga sẽ làm tăng mật độ dân cư lên 5 - 10 lần, tăng lượng giao dịch ở khu vực ga tạo thêm những thách thức mới.

Ý kiến từ các chuyên gia

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa cho biết: “Việc cải tạo nhà ga là cần thiết để có thể đáp ứng được các yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, các nhà làm quy hoạch cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố như bảo vệ kiến trúc, di sản; hài hòa trong quy hoạch tổng thể”.

Cụ thể, theo PGS TS. Nguyễn Văn Huy, hiện ga Hà Nội còn giữ được khá nhiều đường nét kiến trúc của Pháp, do đó, việc cải tạo ga cần làm theo hướng giữ lại toàn bộ những kiến trúc này. Có thể xây dựng nhà ga mới to hơn, đẹp hơn, ôm lấy toàn bộ những đường nét của nhà ga chính để bảo vệ di sản.

Khách sạn công quản Trump Soho ở New York là một điển hình về việc xây mới mà bảo vệ được di sản. Phá xây mới thì rất dễ, nhưng xây mà giữ được di sản thì mới khó, mới là thách thức cần vượt qua.

Phương án mới nên thiết kế thành các đường chạy tàu  ngầm dưới lòng đất hoặc trên cao, tránh tình trạng đường sắt cắt ngang nhiều tuyến phố trong nội đô như hiện nay, vừa gây ách tắc, lại thiếu an toàn.

Quy hoạch ga Hà Nội, từ góc nhìn văn hóa ảnh 2

 Ảnh internet.

Ngoài ra, việc quy hoạch cần phải cân nhắc đến toàn bộ cảnh quan xung quanh khu vực ga, toàn bộ các khu như Văn Miếu, Văn Chương, các khu phố như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Yết Kiêu… với đặc trưng là khu tập thể hoặc biệt thự cũ, thấp tầng.

Hà Nội nên tập trung phát triển theo hướng đô thị lõi gồm các khu phố cổ (gồm các quận nội thành) và khu vệ tinh. Trong đó, các công trình, dự án bất động sản cao tầng nên phát triển ở khu vệ tinh. Làm được vậy sẽ tránh được việc phá vỡ quy hoạch, làm tăng dân số nội đô và ách tác giao thông.

Còn theo TS. Mai Thanh Sơn, khu vực ga có thể được cải tạo theo hướng giữ nguyên kiến trúc Pháp hiện tại, phát triển mô hình bảo tàng đường sắt.

Cụ thể, đoạn từ Khách sạn cây Xoài đến đầu phố Nguyễn Khuyến phát triển thành cụm nhà trưng bày, dịch vụ phục vụ bảo tàng. Khu phía Nam của ga (khu vực đang tập trung nhiều cửa hàng bán quần áo) nếu có thể đền bù và giải tỏa thì nên phát triển thành không gian cảnh quan.

Phía sau ga làm thành khu trung chuyển. Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc phương án xây dựng trường học, công viên. Khu vực Văn Miếu, Hồ Văn đang quá tải, việc quy hoạch lại ga phải có trách nhiệm giảm tải cho các khu vực này nói riêng, khu phố cổ nói chung.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, GS. Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là nên giữ ga Hà Nội, vì đó là di sản văn hóa, gắn bó với biết bao nhiêu người và cả lịch sử. Còn việc giữ như thế nào thì chúng ta cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ càng để có được quy hoạch tốt nhất”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Đức Thành
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục