Quy hoạch ga Hà Nội, nhiều yếu tố nhạy cảm

(ĐTCK) Những ngày qua, câu chuyện xung quanh đề án cải tạo, quy hoạch ga Hà Nội khiến dư luận nóng lên. 
Ga Hà Nội trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội Ga Hà Nội trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội

Hợp lý

Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trải qua hơn 100 năm, ga Hà Nội là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Không những vậy, ở góc nhìn lịch sử, ga Hà Nội còn góp phần tạo nên giá trị và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội giống như Tháp Effel của Thủ đô Paris nước Pháp hay Đồng hồ Big Ben tại London của Anh.

Dù không xuất hiện trên tờ tiền như Bến Nhà Rồng của TP.HCM, hình dáng cổ kính theo phong cách Pháp của ga Hà Nội cũng ăn sâu trong tâm trí của rất nhiều người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Chính vì vậy, sau khi thông tin Hà Nội đề xuất xây lại khu vực ga Hà Nội thành quần thể chức năng cao 40 - 70 tầng trên diện tích đất khoảng 98,1 ha, xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia với lo ngại giá trị lịch sử - kiến trúc - văn hóa trước viễn cảnh bị tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, do nội dung chi tiết của Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận chưa được công bố một cách chi tiết và mới chỉ đang lấy ý kiến từ các bộ, ban ngành nên thực tế nhiều thông tin vẫn chưa được tỏ tường.

Theo nội dung văn bản đề xuất được UBND TP.Hà Nội gửi các bộ, ban ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 với sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (NSC) của Nhật Bản, tổng diện tích đất lập quy hoạch là 98,1 ha (gồm 94 ha theo nhiệm vụ quy hoạch được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 12/6/2014 và khoảng 4,1 ha theo kết luận chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 252/TB-UBND ngày 22/7/2016 bổ sung khu tập thể Văn Chương vào ranh giới quy hoạch).

Tổng dân số dự kiến theo đề xuất quy hoạch là khoảng 44.000 người, nhưng thực tế trong đó đã nêu rõ sẽ phải tái định cư tại chỗ 100% hiện tại đã lên tới khoảng 40.300 người tại các địa giới hành chính, gồm các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên (thuộc quận Đống Đa), phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), phường Điện Biên (quận Ba Đình), phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng).

Ga Hà Nội sẽ thay một diện mạo hoàn toàn mới

Việc dự kiến tăng thêm 3.700 người thực tế nhằm tạo nguồn lực tại chỗ triển khai quy hoạch và trong quá trình triển khai, tỷ lệ tái định cư tại chỗ thực tế sẽ dựa trên ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Thực tế, sẽ không có việc di dời ga Hà Nội, mà là triển khai quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội, cụ thể hóa định hướng của Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội với chức năng ga trung tâm tàu khác và tàu liên vận quốc tế, là ga trung tâm của quyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo, là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hóa… của Thủ đô.

Ngoài ra, việc quy hoạch sẽ phát triển cả không gian ngầm, nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất hiện có, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường sắt đô thị và xây dựng, tạo điểm nhấn mới cho diện mạo của Thủ đô Hà Nội…

Trên thực tế, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, trải qua hơn 100 năm, dù trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội, nhưng hiện trạng quanh khu vực ga Hà Nội nhìn ở tầm tổng thể được đánh giá là nhếch nhác, chưa tương xứng với mục tiêu phát triển Hà Nội thành một đô thị văn minh hiện đại.

Nhiều khu vực quanh ga Hà Nội như hồ Linh Quang trong nhiều năm rơi vào vòng luẩn quẩn "lấn chiếm - xây dựng nhà cho thuê - xả thải sinh hoạt" khiến hồ trở thành một cái ao tù chứa đầy rác thải, tiềm ẩn dịch bệnh, mất an ninh trật tự.

Trong khi đó, khu tập thể cũ Văn Chương xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước cũng nằm trong danh sách cảnh báo, cần cải tạo gấp vì tình trạng xuống cấp, mất an toàn vì cơi nới và sự "bào mòn" của thời gian.

Ghi nhận ý kiến lãnh đạo từ một số phường như Văn Chương, Văn Miếu, dù chưa nắm rõ chi tiết nội dung cụ thể của Đồ án, nhưng hầu hết đều ủng hộ việc cần thiết phải phân tích, nghiên cứu cải tạo không gian kiến trúc quanh quần thể ga Hà Nội theo hướng nâng cao chất lượng hệ thống tầng kỹ thuật, dịch vụ, giao thông và tạo dựng điểm nhấn mới cho khu vực ga Hà Nội và các vùng phụ cận, hướng tới tạo biểu tượng cho TP. Hà Nội.

Nhưng không dễ triển khai

Theo nguyên tắc cơ bản, để quy hoạch một khu vực trở thành biểu tượng của thành phố, yếu tố quan trọng đầu tiên phải đảm bảo công tác quy hoạch hiệu quả. Điều này chỉ có thể được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, công khai, minh bạch về quy hoạch và kiến trúc, đồng thời có thái độ làm việc tận tâm, công minh không vụ lợi dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật của người thực thi công quyền.

Nhìn từ trường hợp câu chuyện  biểu tượng vĩ đại của nước Pháp là Tháp Eiffel, ít ai biết được giữa thế kỷ 19, Paris vẫn chỉ là một thành phố mang hơi hướng Trung cổ, một thành phố đậm nét tương phản với những tượng đài kỷ niệm duyên dáng, những công trình lịch sử nằm kề bên các khu nhà ổ chuột.

Đó là kết quả của hàng thế kỷ phát triển tùy tiện. Thành phố rất đông đúc vì có quá nhiều dân nhập cư từ các tỉnh tìm đến sinh sống. Paris ngày ấy vẫn chỉ là một thành phố nhỏ ở châu Âu, không có gì đáng để so sánh với Madrid, Lisbon và càng không thể đứng ngang hàng với London của đế quốc Anh hùng mạnh. Để có được một Paris làm mê say và thán phục lòng người hôm nay ngay từ thế kỷ 17, người ta đã tạo nên những nền móng đầu tiên của Paris ngày nay bằng việc ban hành các quy chuẩn căn bản, chặt chẽ và khắt khe về quy hoạch và xây dựng.

Cần hiểu rõ tầm quan trọng của ga đường sắt Hà Nội từ yếu tố lịch sử bởi không ngẫu nhiên nhà ga thành phố được đặt tại vị trí như vậy. Vì thế, việc đề xuất quy hoạch sẽ phải tính tới yếu tố nhạy cảm một khi mang tính chất thương mại vào trong đó

Đây chính là lý do cần xem xét rất kỹ càng về quy hoạch ga Hà Nội trước khi chính thức triển khai Đồ án quy hoạch. Theo Thạc sĩ, kiến trúc sư Đoàn Bắc, một người từng nghiên cứu nhiều về kiến trúc - quy hoạch và gắn bó “máu thịt” với Thủ đô, cần hiểu rõ tầm quan trọng của ga đường sắt Hà Nội từ yếu tố lịch sử, bởi không ngẫu nhiên nhà ga thành phố được đặt tại vị trí như vậy. Vì thế, việc đề xuất quy hoạch sẽ phải tính tới yếu tố nhạy cảm một khi mang tính chất thương mại vào trong đó.

Trên thực tế, mặc dù số lượng dân số dự kiến quy hoạch không thay đổi nhiều so với hiện trạng thực tế khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận hiện tại, nhưng việc đồ án nghiên cứu đề xuất 3 phương án thiết kế chiều cao các công trình trong phạm vi quy hoạch, các công trình cao từ 100 - 200 m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang được các chuyên gia đánh giá cần thiết phải xem xét, dù trên lý thuyết, các phương án này tính toán dựa trên mô hình TOD - phát triển theo định hướng giao thông công cộng.

ảnh 1

Trong bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội gửi các cơ quan ban ngành xin ý kiến thực tế cũng nêu rõ một số nội dung đề xuất hiện nay vượt quá các khung quy hoạch đã khống chế, quy định trong các quy chế có liên quan như xây dựng các công trình cao tầng với chiều cao tối đa 200 m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang, thuộc khu vực nội đô lịch sử không cho phép xây dựng công trình mới có nhà ở cao tầng. Bên cạnh đó, đề án cũng vướng mắc ở việc tăng quy mô dân số khu vực nội đô vượt so với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, quy hoạch cũng sẽ phải thay đổi hướng tuyến phố Quốc Tử Giám kéo dài kết nối với phố Lý Thường kiệt, trong khi tại đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến phố này dự kiến kết nối với phố Trần Hưng Đạo sẽ ảnh hưởng đến công trình ga Hà Nội hiện có…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục