Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt - Bài 3: Làm ơn, đừng làm doanh nghiệp điêu đứng!

0:00 / 0:00
0:00
Không thể vì sự an toàn của một cơ quan nào đó mà để cả một ngành kinh tế lớn của đất nước bị điêu đứng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm tê liệt nhiều doanh nghiệp.
Treo lại việc hoàn thuế giá trị gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến các dự án điện đã xây dựng, mà còn khiến doanh nghiệp “chùn tay” khi tiến hành dự án mới Treo lại việc hoàn thuế giá trị gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến các dự án điện đã xây dựng, mà còn khiến doanh nghiệp “chùn tay” khi tiến hành dự án mới

Bài 3: Làm ơn, đừng làm doanh nghiệp điêu đứng!

Chống dịch Covid-19 và chống suy thoái kinh tế là hai nhiệm vụ quan trọng đã được Đảng và Chính phủ quán triệt, giúp cho nền kinh tế duy trì được nội lực, gồng đỡ được những cú sốc lớn. Bởi vậy, các doanh nghiệp điện đang kỳ vọng lớn vào sự quyết liệt của các bộ, ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn trên mặt trận kinh tế.

Lo đình hoãn các dự án mới

Dự án đang đầu tư bị treo lại việc hoàn thuế hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, buộc các chủ doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo đàm phán với ngân hàng do dòng tiền bị đảo lộn. Dự án mới đang chuẩn bị triển khai cũng đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” chờ đợi vì khó khăn trong phương án vay vốn. Trong khi đó, ngân hàng đang dồi dào thanh khoản và nền kinh tế đang rất cần các hoạt động đầu tư để không bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Ông Trương Đình An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cho biết, các dự án đã được hoàn thuế của công ty ông đối mặt với việc bị phạt chậm nộp trên số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được hoàn trước đây xấp xỉ 300 tỷ đồng.

“Việc này có thể khiến doanh nghiệp tôi và nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào ngành điện sẽ không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng một cách vô lý. Bởi theo quy định pháp luật về thuế, thì doanh nghiệp bị phạt 20% trên số tiền thuế bị truy thu, cộng thêm phạt tiền chậm nộp với mức 0,03%/ngày”, ông An phản ánh.

Điều khiến Ban lãnh đạo Công ty Lam Sơn lo lắng nữa là dự án mới của Công ty có quy mô 30 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2021 đứng trước nguy cơ bị đứt mạch.

“Các dự án mới chúng tôi đang triển khai phải đối mặt với việc không thể vay vốn. Lâu nay, các doanh nghiệp ngành điện lập dự toán theo hướng ngân hàng cho vay trên tổng mức đầu tư trước thuế, có tính đến việc trong quá trình đầu tư doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT đầu vào như các ngành khác. Nay đến cuối giai đoạn đầu tư mới được hoàn thuế, đồng nghĩa trong suốt 2 năm doanh nghiệp phải gánh gồng thêm chi phí lãi vay, rồi thay đổi về hạn mức tín dụng và tài sản đảm bảo. Khi các chỉ số tài chính thay đổi, thể hiện dự án không hiệu quả, nhà tài trợ sẽ không có cơ sở cho vay…”, ông An lo lắng.

Được biết, Lam Sơn là một trong 13 doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Tổng cục Thuế.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp khác cũng tham gia buổi làm việc trên cho hay, Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp và chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp ngành điện đang vướng mắc là rất lớn. Dù vậy, Tổng cục Thuế khẳng định, không thể làm sai quy định pháp luật và sẽ gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để chỉnh sửa quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế không chắc chắn được thời điểm và thời gian mà chính sách sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, vì còn phụ thuộc cơ quan quản lý cấp trên. Trước mắt, doanh nghiệp ngành điện phải chấp nhận.

“Chúng tôi cũng muốn chia sẻ lắm, nhưng cũng phải vì an toàn của mình. Mỗi bên tháo gỡ một chút vì trách nhiệm chung để phát triển kinh tế”, ông Vũ Xuân Bách, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi với các doanh nghiệp tại cuộc họp trên.

Gỡ khó để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Có một điểm mà các doanh nghiệp băn khoăn là trước đây, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn thuế cho các doanh nghiệp dù chưa có giấy phép hoạt động điện lực, nay tại sao phải tạm ngừng trong khi các quy định, chính sách liên quan chưa có gì thay đổi. Trước kia, cơ quan thuế dựa trên những quy định nào để thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp?

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Đình An nêu quan điểm, các dự án đầu tư ngành điện trước khi khởi công đều phải có giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng. Chính phủ cần coi đây là cơ sở để dự án được hoàn thuế GTGT và thể hiện sự công bằng như các dự án đầu tư ngành khác, hướng dẫn cơ quan thuế thực hiện cho các doanh nghiệp hoàn thuế bình thường.

Theo vị tổng giám đốc này, cơ quan quản lý không nên coi giấy phép hoạt điện lực là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà thuần túy chỉ là văn bản quy định điều kiện về an toàn và kỹ thuật khi phát điện. Đơn cử, với dự án thủy điện có nhiều loại giấy phép như giấy phép xây dựng; giấy phép khai thác nước mặt; giấy cấp quyền khai thác nước mặt; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối; thỏa thuận đo đếm; thỏa thuận hướng tuyến… Tất cả các giấy phép này không nên ngộ nhận là “kinh doanh có điều kiện”, mà cần hiểu đó là trình tự quản lý của pháp luật cho dự án ngành điện.

Tại buổi làm việc với 13 doanh nghiệp, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) khuyến nghị các doanh nghiệp phải “canh thật sát” thời điểm để kê khai hoàn thuế nếu buộc phải chờ đến khi có giấy phép hoạt động điện lực.

Dù vậy, theo phân tích của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp điện, phương án này sẽ dẫn tới lợi bất cập hại. Bởi vì, theo các quy định của ngành thuế, khi dự án bắt đầu phát điện, có doanh thu, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế GTGT cho giai đoạn đầu tư. Điều này có nghĩa, các dự án đã đủ điều kiện để phát điện sẽ phải dừng phát điện, chờ đến khi nào được hoàn thuế xong mới đưa vào hoạt động. Thời gian để hoàn thuế nhanh cũng mất khoảng 1 tháng, chậm thì không biết đến khi nào. Vậy quãng thời gian đó, lẽ ra các nhà máy đã có thể vận hành, có thể phát điện, thì lại phải “nằm im”.

“Thực sự đó là sự lãng phí ghê gớm, chưa kể rất nhiều vấn đề kỹ thuật có thể phát sinh từ sự nằm im để đối phó và được hoàn thuế này”, lãnh đạo một nhà máy nhiệt điện lớn bình luận.

Với mong muốn sớm được tháo gỡ khó khăn, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Trung Nam Group kiến nghị cho phép các dự án năng lượng được hoàn thuế GTGT khi đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), thay vì phải có giấy phép hoạt động điện lực và dùng nguồn này tiếp tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

2.100 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT với các dự án điện mà Trung Nam đang thực hiện được nhận xét là con số rất lớn, mà doanh nghiệp không dễ xoay xở khi phương án tài chính đột ngột bị thay đổi. Dòng tiền, hay nói cách khác là dòng máu dự án bị tắc nghẽn bất ngờ. Tương tự là các dự án có quy mô hoàn thuế tới hơn 200 triệu USD như của Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và Vân Phong 1.

Vấn đề dẫn tới rắc rối hiện nay được giới chuyên gia đánh giá nằm ở khâu thực thi. Cụ thể, Luật số 31/2013/QH 13 quy định các trường hợp được hoàn thuế GTGT, nhưng không đề cập đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hướng dẫn tại Công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT lại quy định không hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành điện là Bộ Công thương đã có quan điểm: “Giấy phép hoạt động điện lực không phải là giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”.

Đề cập đến hướng giải quyết nhằm tháo nút thắt hoàn thuế, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc hoàn thuế cho doanh nghiệp ngành điện không vướng ở các quy định của luật, mà chỉ là các văn bản dưới luật. Trong trường hợp này, các bộ: Tài chính, Công thương cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa Nghị định số 100/2016/NĐ-CP, hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra Nghị quyết gỡ vướng cho các doanh nghiệp. Nếu mắc ở Công văn số 10492/BTC-TCT thì Thủ tướng Chính phủ có thể ra quyết định xử lý trực tiếp hoặc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi.

“Vướng ở văn bản của cấp nào thì sửa ở cấp đó, hoặc ở cấp cao hơn. Hoạt động doanh nghiệp và dòng chảy kinh tế là cấp bách, không thể vì sự an toàn của một cơ quan nào đó mà để cả một ngành kinh tế lớn bị điêu đứng trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần các giải pháp để thúc đẩy phát triển, chống suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang rất nghiêm trọng”, ông Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Anh Việt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục