Quy định về phát biểu, chất vấn của cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông

(ĐTCK) Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần A, đến thời gian thảo luận, Chủ tọa cuộc họp yêu cầu các cổ đông nếu có những thắc mắc, kiến nghị sau khi đã nghe trình bày các báo cáo, tờ trình thì phải đăng ký trước, sau đó viết câu hỏi ra giấy và chuyển cho Thư ký cuộc họp. Tuy nhiên, các cổ đông không đồng ý với yêu cầu này và yêu cầu được chất vấn trực tiếp. Yêu cầu đó của cổ đông có hợp lý hay không?

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Chuyên viên Tư vấn quản trị doanh nghiệp phụ trách EzGSM (Đại hội đồng cổ đông trực tuyến), Công ty cổ phần Chứng khoán FPT:

Theo quy định của Điểm a, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 - Quyền của cổ đông phổ thông: “Cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết”.

Vì vậy, tại Đại hội đồng cổ đông, cổ đông có quyền trao đổi, chất vấn trực tiếp với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; yêu cầu của cổ đông trong trường này là hợp lý.

Do đó, khi xây dựng chương trình Đại hội đồng cổ đông, người triệu tập Đại hội đồng cổ đông - Hội đồng quản trị, cần bố trí thời gian đủ cho cổ đông phát biểu, trao đổi, đặt câu hỏi và đủ thời gian để những người liên quan (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành, kiểm toán độc lập…) có thể trả lời, cung cấp thông tin cho cổ đông.

Các câu hỏi do cổ đông đặt ra tốt nhất nên được trả lời ngay. Trường hợp chưa trả lời ngay (do số lượng câu hỏi nhiều hoặc chưa thể cung cấp đầy đủ thông tin), Hội đồng quản trị cần có văn bản trả lời sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Qua đó, cổ đông - nhà đầu tư doanh nghiệp sẽ đánh giá cao công tác quản trị công ty, quan hệ nhà đầu tư và công bố thông tin, tôn trọng và đảm bảo quyền cổ đông của doanh nghiệp, từ đó nâng cao uy tín, hình ảnh, giá trị doanh nghiệp.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục