Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên tư vấn quản trị doanh nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT::
Pháp luật không quy định về việc công ty phải hỗ trợ kinh phí (đi lại, ăn ở…) để cổ đông có thể tới tham dự Đại hội đồng cổ đông. Do đó, cổ đông tự trang trải những chi phí này.
Để đảm bảo quyền lợi cổ đông, đảm bảo thành công của đại hội, nhất là đối với trường hợp doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn, phân bố rải rác, doanh nghiệp nên hướng tới tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông ở một địa điểm mà đa số các cổ đông có thể đến tham dự, hoặc tổ chức Đại hội đồng cổ đông ở nhiều địa điểm khác nhau theo quy định tại Khoản 1, Điều 136, Luật Doanh nghiệp 2014 - Thẩm quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông, cụ thể:
“Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường. Địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông phải ở trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tổ chức đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau thì địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp”.
Ngoài ra, theo thông lệ quản trị công ty tốt, công ty có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (Đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu điện tử), qua đó tiết kiệm chi phí, thuận tiện cho cổ đông, tăng tỷ lệ thành công của Đại hội ngay từ lần tổ chức đầu tiên. Nội dung này đã được cụ thể hóa tại Khoản 2, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 - Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông:
“Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
b) Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;
d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử”.