Quy định pháp luật chồng chéo, doanh nghiệp đối mặt với rủi ro quá lớn

Sự không rõ ràng, minh bạch và đặc biệt là mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Mọi việc đã được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư còn tồn tại xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng. Ảnh: Đức Thanh Giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư còn tồn tại xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Vẫn chuyện con gà, quả trứng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải  nhắc lại nhiều lần hai từ “rủi ro” khi phát biểu trong cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ, trước Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

“Khi các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí, mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia…”, ông Lộc gửi tâm tư của doanh nghiệp tới Chính phủ.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi doanh nghiệp không rõ cách làm, thì bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng, bị động. Ông Lộc đã phải nhắc đến tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước từ thực trạng chồng chéo, xung đột pháp luật này.

“Có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ, ngành hiện nay là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ. Chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là một ví dụ điển hình. Nhưng không chỉ đầu tư công, mà cả đầu tư tư nhân cũng bị đình trệ”, ông Lộc thẳng thắn.

Đi cùng với  tâm tư này, đầu tháng 8/2019, VCCI đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ thông tin cụ thể về 20 chồng chéo lớn liên quan đến pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Nhưng theo VCCI, đây chỉ mới là kết quả rà soát ban đầu và vẫn đang nhận thêm nhiều ý kiến từ các địa phương gửi về.

20 điểm xung đột, chồng chéo lớn này liên quan chủ yếu đến pháp luật về xây dựng, nhà ở, đầu tư, đất đai, đấu thầu, bảo vệ môi trường, kinh doanh bất động sản…

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp và thống kê hệ thống hóa các điểm chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật và sẽ có báo cáo với Thủ tướng, với Chính phủ vào tháng 12”, ông Lộc cho biết.

Những hệ lụy chưa dứt

Đây không phải lần đầu có báo cáo về các điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh được đề cập. Giữa năm ngoái, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có khảo sát chi tiết 37 khó khăn, vướng mắc phổ biến của doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư do các quy định thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn trong chính các văn bản luật trên. Đi cùng là các đề xuất sửa đổi.

CIEM đã gọi đây là một điểm trừ đáng kể của môi trường kinh doanh khi việc này đã được nhận biết và có chỉ đạo từ trước đó. Trong Nghị quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016 chỉ đạo: “Các bộ, cơ quan ngang bộ... rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn”.

Tuy vậy, khác với cải cách, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hay kiểm tra chuyên ngành và cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác được thúc đẩy mạnh, chỉ đạo trên của Chính phủ vẫn chưa được thực hiện.

Theo CIEM, nguyên nhân của tình trạng đó là ở thủ tục đầu tư, xây dựng đối với một dự án đầu tư được quy định phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ Trung ương đến địa phương, nhưng lại thiếu sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan có liên quan. Chưa kể, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này đối với doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan có liên quan và các thủ tục hành chính do họ thực hiện. Việc thay đổi không hề dễ dàng.

VCCI còn gọi đây là hiện tượng “pháp luật cục bộ”. Trong quá trình soạn thảo luật, các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn. Thậm chí, có trường hợp còn cố tình co kéo thêm quyền cấp phép, quyền thanh -kiểm tra về cho cơ quan, bộ, ngành mình.

Phải khẳng định ngay, chưa bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam có những bước cải thiện mạnh mẽ như hiện tại. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Cùng với đó, các bước thực hiện mạnh mẽ loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy việc cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đi vào thực chất.

Nhưng, chính các xung đột, chồng chéo trong các quy định pháp luật đang làm hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Xung đột này đã tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương. Đáng nói, đây chính là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.

Một số điểm xung đột, chồng chéo điển hình

 Xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.

Xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư.

Xung đột về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.

Xung đột về thời điểm cấp Giấy phép quy hoạch giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Không thống nhất về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai.

Không tương thích về quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự… 

Nguồn: VCCI

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục