Quy định giải thích hợp đồng bảo hiểm, vận dụng sao cho đúng?

(ĐTCK) Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có riêng một quy định về cách giải thích hợp đồng bảo hiểm, nhưng để vận dụng trên thực tế sao cho phù hợp là không đơn giản.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Theo quy định tại Điều 21 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Điều khoản này là để bảo vệ cho bên mua bảo hiểm - thường là bên yếu thế trong giao kết hợp đồng và được các cơ quan tài phán áp dụng khi giải quyết tranh chấp về cách hiểu điều khoản, điều kiện, quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận dụng còn chưa thống nhất do Luật Kinh doanh bảo hiểm không định nghĩa, hướng dẫn "điều khoản bảo hiểm như thế nào là không rõ ràng". Có quan điểm cho rằng, khi có sự không thống nhất về cách hiểu giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thì điều khoản mặc nhiên là không rõ ràng và cần áp dụng Điều 21 - Luật Kinh doanh bảo hiểm để giải quyết.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng mẫu và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, áp dụng điều khoản này để có lợi cho bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi không được đàm phán, thương thảo các quy định trong quá trình giao kết hợp đồng.

Đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ là bên dự thảo hợp đồng và gửi cho bên mua bảo hiểm để thương thảo. Bên mua bảo hiểm có quyền được tham gia ý kiến, được quyền đề nghị thêm, bớt các điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Nhiều trường hợp khách hàng còn gây sức ép yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận dự thảo, mẫu hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đưa ra.

Hay việc giao kết hợp đồng thực hiện qua các nhà môi giới bảo hiểm, trong đó bên môi giới bảo hiểm đã tư vấn cho bên mua bảo hiểm trong lựa chọn loại hình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm. Câu hỏi đặt ra là, trong những trường hợp này, khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến cách hiểu các điều khoản bảo hiểm thì áp dụng Điều 21 - Luật kinh doanh bảo hiểm có phù hợp?

Lấy ví dụ, trong vụ tranh chấp giữa một số nhà đồng bảo hiểm với một công ty vật liệu xây dựng được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội giải quyết mới đây, Hội đồng xét xử đã áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng mẫu trong Bộ luật Dân sự và giải thích điều khoản không rõ ràng theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Điều băn khoăn ở đây là hợp đồng bảo hiểm này không phải là hợp đồng mẫu và khi giao kết nhà môi giới bảo hiểm đã giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho khách hàng. Trong trường hợp này, giải thích có lợi cho khách hàng có thỏa đáng?

Pháp luật cũng quy định, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích hợp đồng bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện khi có yêu cầu. Vậy trước khi vận dụng điều khoản giải thích hợp đồng bảo hiểm, nên chăng các cơ quan áp dụng luật cần làm rõ bên mua bảo hiểm đã thực hiện quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích khi tham gia bảo hiểm hay chưa.

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm yêu cầu, đề nghị giải thích, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thì áp dụng điều khoản này là phù hợp và có cơ sở. Ngược lại, nếu bên mua bảo hiểm không đề nghị, yêu cầu giải thích thì được cho là đã hiểu và không có gì là không rõ ràng trong các quy định của hợp đồng.

Thiết nghĩ, các bên khi giao kết cần đọc kỹ các điều khoản, điều kiện, định nghĩa và đề nghị giải thích rõ những quy định trong hợp đồng để tránh sự bất đồng trong cách hiểu. Đồng thời, nhà làm luật cần dựa trên cơ sở các quy định chung về giải thích hợp đồng trong Bộ luật Dân sự để quy định cụ thể hơn về các trường hợp giải thích hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của cả bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 404 - Bộ luật Dân sự 2015: Giải thích hợp đồng

- Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng, mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.

- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.

- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

- Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

- Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng, thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

- Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục