Quỹ đầu tư trái phiếu trước cơ hội và thách thức mới

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu với đặc tính kém thanh khoản và thường chỉ hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức nay trở nên gần gũi với cả các nhà đầu tư cá nhân, nhờ vai trò trung gian của các quỹ đầu tư trái phiếu.
Một số công ty quản lý quỹ được vinh danh tại Hội nghị tổng kết VSD tháng 11/2019 Một số công ty quản lý quỹ được vinh danh tại Hội nghị tổng kết VSD tháng 11/2019

Quỹ đầu tư trái phiếu hút dòng tiền

Đầu năm 2019, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Chubb Life (Chubb Life FMC) đã ra mắt sản phẩm quỹ mở đầu tiên - Quỹ đầu tư trái phiếu mở rộng Chubb (CBPF) với ngân hàng giám sát là Standard Chartered (Việt Nam). Mục tiêu của Quỹ là tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư chủ yếu vào các tài sản có thu nhập cố định an toàn và một phần vào cổ phiếu của các công ty có nền tảng hoạt động kinh doanh tốt.

Tính đến ngày 9/10/2019, sau gần nửa năm hoạt động, Quỹ CBPF đã đạt những kết quả khá khả quan với quy mô tài sản ròng quản lý 102,4 tỷ đồng, tương ứng 10.173,36 đồng/chứng chỉ quỹ.

Tháng 6 năm nay, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) công bố kế hoạch thành lập Quỹ Đầu tư trái phiếu VCBF (VCBF FIF) dưới dạng quỹ mở, với mục tiêu đầu tư toàn bộ tài sản vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Mức tỷ suất sinh lời kỳ vọng đặt ra là trên 8%/năm, cao hơn lãi suất gửi tiết tiệm.

VCBF FIF là quỹ đầu tư thứ ba của VCBF, bên cạnh hai quỹ mở đang hoạt động là Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu (BCF - thành lập năm 2014), đầu tư toàn bộ tài sản vào cổ phiếu và Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược (TBF - thành lập năm 2013), phân bổ song song vào cổ phiếu và các loại trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Với việc hướng đến phân khúc sản phẩm rủi ro thấp, VCBF FIF được đánh giá là bước đi hoàn thiện hệ thống quỹ của VCBF phân loại theo khẩu vị rủi ro khách hàng.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2019, tính đến 16/10/2019, VCBF FIF đã phát hành thành công 5,66 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng quy mô tài sản quản lý đạt 56,6 tỷ đồng và hiệu suất sinh lời 0,63%, một kết quả tương đối khả quan sau hơn 2 tháng hoạt động.

Trong tháng 7 và tháng 8/2019, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A thành lập Quỹ đầu tư trái phiếu VND (VNDBF) dưới hình thức quỹ mở, đầu tư vào trái phiếu, còn VinaCapital cho ra mắt Quỹ đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital - VIBF, với tỷ trọng đầu tư 50% cổ phiếu, 40% trái phiếu và 10% tiền mặt. Bước đầu, cả hai quỹ này đều đạt những kết quả tích cực.

Sự tăng trưởng tích cực trong huy động vốn cũng như hiệu quả đầu tư cũng được ghi nhận tại các quỹ đầu tư trái phiếu hoặc cân bằng từ đầu năm đến nay. Đáng kể nhất trong số này là sự tăng trưởng quy mô mạnh mẽ của Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) do Công ty cổ phần Quản lý quỹ Kỹ thương quản lý.

Tính đến ngày 18/10/2019, báo cáo tóm tắt hoạt động của Quỹ TCBF cho biết, quy mô tài sản ròng đạt 16.102 tỷ đồng, gấp 2,4 lần thời điểm đầu năm. Tính từ đầu năm 2019, bình quân mỗi tháng, Quỹ huy động được khoảng 1.000 tỷ đồng tài sản ròng.

Một quỹ khác do Techcom Capital quản lý là Quỹ trái phiếu linh hoạt Techcom (TCFF), thành lập tháng 12/2018, ghi nhận những kết quả tích cực, quy mô tài sản ròng đạt 70,7 tỷ đồng.

Lý giải sức hấp dẫn của quỹ trái phiếu

Báo cáo thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam tháng 9/2019 do Công ty Chứng khoán SSI thực hiện cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 155.306 tỷ đồng (số liệu không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm). Trong đó, các ngân hàng thương mại là nhóm tổ chức phát hành lớn nhất với tỷ trọng 49%, tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 26,4%, còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác.

Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm đã tương ứng 69,3% giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2018 (224.000 tỷ đồng) - theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính. Cần lưu ý thêm, trong năm 2018, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng 94,5% so với năm 2017, nâng tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 8,6% GDP, cao hơn mức 6,19% GDP của năm 2017.

Mức lãi suất trái phiếu phổ biến trong khoảng 10 - 11%/năm, một số doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu với lãi suất 12 - 14,5%/năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng về quy mô và lãi suất tăng cao đã thu hút các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, cụ thể là các công ty quản lý quỹ, qua đó, gia tăng hiệu quả hoạt động. Ở góc độ nhà đầu tư, kênh quỹ trái phiếu cũng ngày càng hấp dẫn.

Trong bối cảnh cơ hội kiếm lời trên thị trường cổ phiếu ít hơn, kênh đầu tư bất động sản hạ nhiệt, vàng và ngoại tệ biến động khó lường…, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang kênh đầu tư trái phiếu, nhất là khi lãi suất trái phiếu cao hơn nhiều so với kênh gửi tiết kiệm.

Tuy vậy, với nhà đầu tư cá nhân, việc tiếp cận kênh trái phiếu có những khó khăn như thiếu thông tin để đánh giá chất lượng doanh nghiệp phát hành, hay trong các đợt phân phối trái phiếu hấp dẫn, công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư phải đăng ký từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Mặt khác, với không ít loạt trái phiếu, nhà đầu tư muốn bán lại để thu hồi vốn trước khi đáo hạn là không dễ dàng.

Với các quỹ đầu tư thì không gặp phải những khó khăn trên, do có đội ngũ phân tích chuyên nghiệp để đánh giá rủi ro của tổ chức phát hành, có thể đa dạng hóa danh mục nhằm tăng lợi nhuận và phân tán rủi ro, quy mô đủ lớn để tham gia các thương vụ phát hành riêng lẻ dành cho tổ chức có mức lãi suất tốt hơn…

Thông qua các quỹ đầu tư, nhà đầu tư có thể thuận lợi tham gia thị trường trái phiếu. Bởi lẽ, các quỹ yêu cầu số tiền đầu tư tối thiểu khá nhỏ so với trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, VCBF yêu cầu số tiền tối thiểu là 5 triệu đồng cho lần mua đầu tiên và 1 triệu đồng cho các lần mua tiếp theo. Hay CBPF đặt ra mức đầu tư ban đầu là 1 triệu đồng, con số này tại VIBF là 2 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, các quỹ đầu tư trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư. Lợi suất của nhiều quỹ trái phiếu trong 9 tháng đầu năm nay cao hơn đáng kể so với quỹ đầu tư cổ phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng.

Áp lực cạnh tranh và sự phân hóa sẽ lớn hơn

Quỹ đầu tư trái phiếu tại Việt Nam được đánh giá đang trong tình trạng “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để phát triển.

Các doanh nghiệp liên tục phát hành các sản phẩm trái phiếu có lãi suất hấp dẫn, bổ sung các điều khoản phát hành nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia và chú trọng hoạt động công bố thông tin vì nhận thức được lợi thế của hình thức huy động vốn này trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng qua hệ thống ngân hàng.

Thị trường trái phiếu sôi động còn nhờ các chính sách của cơ quan quản lý điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn.

Trong điều kiện đó, kênh phát hành trái phiếu nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Cơ hội lớn, tất yếu cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.

Hiện nay, nhiều ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm đã lập quỹ đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào kênh trái phiếu. Danh sách các quỹ ngày càng nối dài với những tên tuổi cũ như TCBF, VFMVFB, BVBF, SSIBF, MBBF, VTBF và các tên tuổi mới như VCBF-FIF, CBPF, VNDBF…

Số lượng quỹ càng nhiều, nhà đầu tư càng có nhiều lựa chọn và quỹ nào chứng minh được hiệu quả đầu tư lâu dài, mức phí quản lý cạnh tranh sẽ tạo được niềm tin trên thị trường, tăng thu hút dòng tiền và ngược lại. Thực tế 9 tháng đầu năm cho thấy, trong khi có những quỹ tăng trưởng huy động vốn nhanh chóng, một số quỹ lại bị thu hẹp quy mô tài sản quản lý bởi nhà đầu tư rút vốn.

Trong thời gian tới, sự phân hóa giữa các quỹ đầu tư dự báo sẽ sâu sắc hơn, nhất là khi thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, hầu như chỉ dựa vào đánh giá của chính đơn vị đầu tư, đồng nghĩa với tình trạng vàng thau lẫn lộn. Nếu thiếu thận trọng trong đánh giá tổ chức phát hành, mà chỉ tập trung vào lãi suất, quỹ có thể gặp rủi ro mất vốn, hoặc không được trả nợ đúng hạn.

Khắc Lâm
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục