Quỹ đầu tư tăng cường kiếm khách

(ĐTCK) Hoạt động mở rộng các kênh phân phối, tích cực cung cấp thông tin tới cộng đồng nhà đầu tư… đang được các công ty quản lý quỹ đẩy mạnh.
Nhà đầu tư cá nhân còn chưa quan tâm nhiều đến chứng chỉ quỹ.

Mở rộng các kênh phân phối

Thời gian gần đây, thông tin về hoạt động ký kết mở rộng kênh phân phối của các công ty quản lý quỹ với các đơn vị phân phối chứng chỉ quỹ như công ty chứng khoán, sàn giao dịch, ngân hàng… được công bố dồn dập.

Chẳng hạn, ngày 13/9/2024, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (Dragon Capital) và Công ty cổ phần Digi Invest đã ký thoả thuận hợp tác phân phối chứng chỉ quỹ mở của Dragon Capital trên nền tảng Digi Invest.

Theo đó, các sản phẩm quỹ mở của Dragon Capital sẽ được phân phối tại các địa điểm phân phối đã đăng ký và trên nền tảng quản lý tài sản của Digi Invest có tên gọi Digi Trading bao gồm: Quỹ đầu tư chứng khoán năng động DC (DCDS), Quỹ đầu tư cổ phiếu tập trung cổ tức DC (DCDE), Quỹ đầu tư trái phiếu DC (DCBF), Quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng thu nhập cố định DC (DCIP).

Đáng chú ý, Digi Trading được tích hợp trên ứng dụng (app) MBBank giúp lan tỏa tới tệp khách hàng của một trong những ngân hàng hàng đầu cả nước. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Digi Invest, sau 2 năm hoạt động, Digi Invest đã thu hút hơn 350.000 khách hàng.

“Thông qua hợp tác này, Digi Invest powered by MB và Dragon Capital sẽ có cơ hội mở rộng phạm vi chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu phục vụ 1 triệu khách hàng vào năm tới”, ông Sơn nói.

Trước đó, ngày 11/9/2024, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) và Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) đã ký thỏa thuận hợp tác phân phối sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ VCBF trên nền tảng TCInvest.

Theo đó, tùy vào khẩu vị rủi ro của mình, khách hàng có thể đầu tư vào bất kỳ quỹ nào trong 4 quỹ mở do VCBF quản lý trên TCInvest, bao gồm: Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng VCBF (VCBF-MGF), Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF), Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) và Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF (VCBF-FIF).

Bà Bùi Thị Thu Hằng - Phó tổng giám đốc TCBS cho biết: “Công ty đang phân phối chứng chỉ quỹ của nhiều tổ chức trên thị trường với tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) các quỹ đạt hơn 10.400 tỷ đồng tại ngày 31/8/2024. Hơn 123.000 nhà đầu tư đang tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ online trên nền tảng TCInvest”.

Tháng 6/2024, VCBF hợp tác với Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) để phân phối chứng chỉ 4 quỹ mở của VCBF trên nền tảng VNSC by Finhay.

Sự phát triển chưa tương xứng của số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ phần nào cho thấy kênh đầu tư này còn kém sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân, ngay cả khi kết quả hoạt động của nhiều quỹ đầu tư rất tích cực.

Ông Nghiêm Xuân Huy - Chủ tịch VNSC cho hay: “Chứng chỉ quỹ mở là sản phẩm được Công ty chú trọng và phát triển mạnh. Chúng tôi tin rằng, đây là sản phẩm đầu tư phù hợp với nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư bán chuyên với nguồn lực thời gian và kiến thức giới hạn, nhưng vẫn có mong muốn tham gia đầu tư.

Bên cạnh việc tự xây dựng ứng dụng giao dịch riêng cho các sản phẩm quỹ, đa phần các công ty quản lý quỹ lớn đều đang tích cực mở rộng kênh phân phối qua việc ký kết với các đại lý phân phối như công ty chứng khoán, sàn giao dịch chứng chỉ quỹ, ngân hàng và nhóm ứng dụng Fintech như Momo, Cake…

Diễn biến này trước tiên mang tới nhiều lợi ích cho nhà đầu tư chứng chỉ quỹ, khi hoạt động đầu tư ngày càng trở nên thuận tiện, đơn giản hơn. Sự gia tăng của số lượng các kênh phân phối không chỉ làm phong phú thêm lựa chọn cho nhà đầu tư, mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các đơn vị, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường chứng chỉ quỹ đang trong quá trình mở rộng mạnh mẽ cũng phản ánh nhu cầu đầu tư đa dạng và tăng cao của các nhà đầu tư, nhất là khi tiềm năng của thị trường được đánh giá còn rất lớn.

Riêng về các quỹ mở, theo tính toán của VinaCapital, nếu thị trường quỹ Việt Nam phát triển ở mức tương đương Thái Lan thì quy mô tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán có thể tăng 50 lần so với hiện tại.

Tăng sức hấp dẫn, bài toán chờ lời giải

Theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), đến cuối tháng 2/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở là hơn 1,3 triệu tài khoản, trong khi con số tài khoản giao dịch chứng khoán đạt 7,485 triệu tài khoản. Chưa kể, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới cuối tháng 6/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đạt hơn 8 triệu tài khoản.

Sự phát triển chưa tương xứng của số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ phần nào cho thấy kênh đầu tư này còn kém sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân, ngay cả khi kết quả hoạt động của nhiều quỹ đầu tư rất tích cực.

Chẳng hạn, trong 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số VN-Index tăng 13,63%. So sánh với chỉ số thị trường chung, nhiều quỹ cổ phiếu tăng tích cực hơn và mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

Theo thống kê trên Fmarket, có hơn 10 quỹ cổ phiếu có mức sinh lợi lớn hơn 20% trong 8 tháng qua. Trong đó, đa phần các quỹ đầu tư có hiệu suất tích cực thuộc về các công ty quản lý quỹ lớn như VinaCapital, Dragon Capital, SSIAM, VBCF…

Nhìn lại năm 2023, bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó tổng giám đốc VCBF cho biết, trong năm qua, đa phần các quỹ có lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index. Trong tổng số 20 quỹ cổ phiếu mà VCBF thống kê, chỉ 3 quỹ có kết quả thấp hơn chỉ số chung.

Có nhiều lý do để giải thích cho việc này. Thứ nhất, tâm lý sợ lỗ do thị trường biến động. Tuy nhiên, việc đầu tư thông qua quỹ sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Một điểm ưu việt của chứng chỉ quỹ là quỹ sẽ đầu tư vào một rổ nhiều cổ phiếu nên gần như không có trường hợp quỹ giảm 50% hay 70% như trường hợp nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư vào một cổ phiếu riêng lẻ.

Thứ hai, tâm lý muốn giá trị tài khoản gia tăng nhanh trong thời gian ngắn, hay muốn “mua đáy, bán đỉnh”.

Tuy nhiên, bài học rút ra trong suốt hơn 13 năm làm quản lý đầu tư như chia sẻ của bà Nga cho thấy, những quyết định ảnh hưởng tệ nhất đến danh mục chính là khi thực hiện “mua đáy, bán đỉnh” và thực tế là chưa bao giờ làm được điều đó, trong khi tâm lý này có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội nắm giữ các cổ phiếu có khả năng tăng giá tốt hơn.

Thứ ba, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam còn mới mẻ, kiến thức nhà đầu tư còn chưa nhiều dẫn tới cảm giác thiếu tin tưởng khi đầu tư vào quỹ.

Cuối cùng là hệ thống đại lý phân phối chưa phát triển, các ngân hàng chưa được phân phối chứng chỉ quỹ mà chỉ giới thiệu, trong khi thông thường đây là kênh phân phối chính của loại hình này. Chưa kể, các công ty chứng khoán cũng đang bỏ ngỏ mảng phân phối chứng chỉ quỹ, mới chỉ tập trung vào môi giới, khuyến khích nhà đầu tư giao dịch.

Bởi vậy, việc làm thế nào để cộng đồng nhà đầu tư cá nhân biết đến và hiểu về chứng chỉ quỹ mở, cũng như tiếp cận dễ dàng hơn là nhiệm vụ chung với tất cả các công ty quản lý quỹ trên thị trường. Đây cũng là lý do hoạt động mở rộng các kênh phân phối, tích cực cung cấp thông tin tới cộng đồng nhà đầu tư... được các công ty quản lý quỹ tập trung đẩy mạnh thời gian gần đây.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục