Tìm cơ hội ở chứng chỉ quỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù phần lớn nhà đầu tư tại Việt Nam đang chọn hình thức tự đầu tư chứng khoán, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn thêm chứng chỉ quỹ như một cách để cân bằng giữa cơ hội và rủi ro.
So với đầu tư trực tiếp trên thị trường chứng khoán, đầu tư qua quỹ ít rủi ro hơn So với đầu tư trực tiếp trên thị trường chứng khoán, đầu tư qua quỹ ít rủi ro hơn

Chia danh mục cho quỹ đầu tư

Bắt đầu làm quen với chứng chỉ quỹ từ đầu năm 2023, chị Nguyễn Mai Hương (Hà Nội) cho biết, trong ngân sách dành cho hoạt động đầu tư, chị đang dành khoảng 500 triệu đồng để “rót” vào chứng chỉ quỹ. Năm 2023, phần lớn các quỹ đều ghi nhận hiệu suất đầu tư khá tốt so với thị trường. Sau khi trừ đi các phí quản lý, lợi nhuận thu về qua đầu tư chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư này đạt khoảng 26%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng bình quân của thị trường (chỉ số VN-Index tăng hơn 12% trong năm 2023) và cao hơn khoảng 5 lần so với lãi suất tiết kiệm 12 tháng.

Với thâm niên tham gia thị trường chứng khoán gần 10 năm, nhà đầu tư này chia sẻ, về cảm xúc, chị thích đầu tư cổ phiếu trên sàn hơn, vì có thể cảm nhận được biến động lên xuống của thị trường trong từng phiên và trong nhiều giai đoạn, việc tự đầu tư cho mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, nếu quyết định mua/bán sai thời điểm, nhà đầu tư hoàn toàn có thể từ trạng thái lãi thành lỗ. Việc chia một phần khoản đầu tư để mua chứng chỉ quỹ, theo chị Hương, cũng là chia cơ hội đầu tư, thay vì gửi tiết kiệm với lãi suất 4 - 5%/năm, thì hiệu suất của các quỹ cũng dự kiến đạt tối thiểu 10%. Chưa kể, theo kỳ vọng của nhiều quỹ, hiệu suất đầu tư đạt khoảng 20% trong năm 2024.

Nhà đầu tư này cũng cho biết, chị ưu tiên chọn chứng chỉ quỹ của các quỹ có uy tín trên thị trường. Xác định hiệu quả đầu tư của các quỹ đầu tư phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán, nên việc đầu tư chứng chỉ quỹ vẫn có rủi ro nhất định, nhưng chị Hương kỳ vọng mức rủi ro sẽ ở mức trung bình và thấp hơn so với biến động chung của thị trường.

Một cơ sở nữa để nhà đầu tư này đặt niềm tin vào chứng chỉ quỹ là, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một cổ phiếu không chiếm quá 20% giá trị quỹ, nên rủi ro phân tán. Các quỹ đầu tư cũng khá khắt khe trong việc lựa chọn cổ phiếu trong danh mục của mình. Ngoài các quy định về cấp phép thành lập, còn có thêm các yêu cầu hạn chế về đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Tiền của quỹ cũng phải được để ở ngân hàng giám sát uy tín và độc lập hoàn toàn với công ty quản lý quỹ. Ngân hàng vừa giám sát vừa lưu ký, tức là giữ tiền và giám sát hoạt động đầu tư của quỹ có đúng với quy định và điều lệ công ty.

Dẫu vậy, với nhiều nhà đầu tư, đầu tư qua chứng chỉ quỹ vẫn là câu chuyện xa xôi. Nhìn vào số lượng tài khoản chứng khoán và tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ, có thể thấy phần lớn nhà đầu tư cá nhân đều đang lựa chọn tự đầu tư, thay vì đầu tư thông qua các quỹ. Cụ thể, đến cuối tháng 2/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới chỉ đạt hơn 1,3 triệu tài khoản, trong khi con số tài khoản giao dịch chứng khoán đạt 7,485 triệu tài khoản.

Cũng theo nhà đầu tư Mai Hương, việc chuyển một phần nguồn vốn vào kênh đầu tư chứng chỉ quỹ không có nghĩa là chị không tự đầu tư chứng khoán, nhưng việc chia đều các khoản đầu tư cũng giúp chị cân bằng giữa cơ hội và rủi ro. Việc lựa chọn đầu tư vào chứng chỉ quỹ hay mua trực tiếp chứng khoán trên sàn giao dịch, theo chị Hương, phụ thuộc vào trình độ hiểu biết về thị trường, kinh nghiệm đầu tư, thời gian, khẩu vị chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.

“Có người chọn chỉ đầu tư chứng khoán, có người chọn chỉ tham gia chứng chỉ quỹ, nhưng cũng có người chọn cả hai như tôi”, chị cho biết.

“Cân đong” cơ hội và rủi ro

Có thể thấy danh mục của các quỹ thường có khả năng chống chọi khá tốt trong những giai đoạn thị trường đi xuống và hiệu suất sinh lãi trung bình hơn 20%/năm.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group

Bản chất của chứng chỉ quỹ đầu tư là một loại chứng khoán (xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ, hay chính là quyền sở hữu đối với một phần của các tài sản nắm giữ bởi quỹ), nhưng thay vì nhà đầu tư mua từng chứng khoán riêng lẻ thì góp tiền vào quỹ để công ty quản lý quỹ mua một danh mục chứng khoán và nhà đầu tư được sở hữu một phần danh mục đó. Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một giải pháp dành cho người bận rộn và không có nhiều kiến thức về đầu tư chứng khoán, hạn chế được rủi ro hơn so với tự đầu tư, bởi các quỹ đầu tư chứng khoán được điều hành bởi các công ty quản lý quỹ với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong phân tích, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Dù hiệu suất đầu tư không phải lúc nào cũng tốt, nhưng nhìn trong dài hạn, các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường Việt Nam đều có hiệu suất tốt hơn hẳn so với lãi suất tiết kiệm.

Thông thường, các quỹ luôn duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức cao một thời gian dài, do đó, có những thời điểm khi thị trường biến động thì sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn. Trong khi đó, những nhà đầu tư cá nhân và cả những tổ chức không chuyên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đa phần có tâm lý ngắn hạn, thường có phản ứng mau lẹ nên khi thị trường thăng hoa, họ dễ có kết quả đầu tư vượt trội hiệu suất của các quỹ đầu tư. Chính điều này khiến cho đa phần nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam thích tự đầu tư trực tiếp hơn.

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản, Khối trong nước, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, so với đầu tư chứng khoán, đầu tư vào quỹ mở, mức sinh lời có thể thấp hơn, nhưng ngược lại sẽ an tâm về hiệu quả lâu dài cũng như những rủi ro khác như thanh khoản hay mất vốn nhờ danh mục đầu tư đa dạng.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group nhận xét, đại bộ phận nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay là nhà đầu tư không chuyên, khi thị trường tăng trưởng, ai cũng có lãi, nhưng khi thị trường chuyển sang thời kỳ đi xuống thì phần lớn lãi đó đều trả lại thị trường, thậm chí thua lỗ lớn. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân (kể cả các tổ chức, công ty không chuyên về đầu tư chứng khoán) thường không có được sự hiểu biết về vận hành của nền kinh tế, của thị trường, các chu kỳ tín dụng, lãi suất, thông tin thu thập để đánh giá thường thiếu và không đầy đủ để ra quyết định đầu tư. Trong khi đó, các quỹ đầu tư hướng tới một mục tiêu dài hơn, các cổ phiếu trong danh mục đều được lựa chọn và phân tích kỹ càng và có những quy trình, bộ tiêu chí đầu tư rất chặt chẽ để ra quyết định và không bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn.

“Có thể thấy danh mục của các quỹ thường có khả năng chống chọi khá tốt trong những giai đoạn thị trường đi xuống và hiệu suất sinh lãi trung bình hơn 20%/năm. Tất nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư cá nhân có hiệu suất đầu tư rất tốt, trung bình lên tới 30 - 40%/năm nhưng không nhiều người làm được như vậy và họ gần như xác định đầu tư là một nghề nghiêm túc và quyết tâm theo đuổi”, ông Trung chia sẻ.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục