Quỹ đầu tư lỗ kỷ lục 165 tỷ USD

Quỹ lương hưu lớn nhất thế giới Government Pension Investment Fund (Nhật Bản) thiệt hại nặng trong quý I do thị trường toàn cầu bị bán tháo vì Covid-19.
Ông Masataka Miyazono – người đứng đầu GPIF. Ảnh: Bloomberg

GPIF hôm qua (3/7) công bố báo cáo cho thấy trong ba tháng đầu năm, quỹ này lỗ 11%, tương đương 17.700 tỷ yen (164,7 tỷ USD). Đây là lần mất giá tài sản mạnh nhất của họ kể từ tháng 4/2008. Hiện tại, giá trị số tài sản quỹ này quản lý chỉ còn 150.630 tỷ yen. Cổ phiếu ngoại là nhóm có diễn biến tệ nhất, theo sau là cổ phiếu trong nước.

Kết quả này được công bố chỉ vài tháng sau khi quỹ này cải tổ lãnh đạo cấp cao và sắp xếp lại danh mục đầu tư. Số lỗ quý I cũng quét sạch toàn bộ mức tăng trong tài khóa 2019 (kết thúc vào tháng 3/2020). Việc này có thể khiến các chính trị gia chú ý, do an sinh xã hội là mối quan tâm chính của hàng chục triệu người về hưu tại đây.

"Sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu trong và ngoài nước đã khiến quỹ tăng trưởng âm trong tài khóa 2019", Masataka Miyazono – người đứng đầu GPIF cho biết, "Cả hai thị trường này đều tăng trưởng mạnh năm 2019, dù chịu sức ép từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch đầu năm nay đã khiến nhà đầu tư rút khỏi tài sản rủi ro".

Trái phiếu nước ngoài là nhóm tài sản lớn duy nhất sinh lời trong quý I cho họ, với mức tăng 0,5%. Trái phiếu trong nước giảm giá 0,5%, cổ phiếu trong nước mất 18% và cổ phiếu nước ngoài giảm 22%. Hồi tháng 4, GPIF đã tăng tỷ trọng trái phiếu nước ngoài thêm 10%, lên 25%. Mục tiêu tỷ trọng cổ phiếu trong và ngoài nước được giữ nguyên tại 25%.

Giám đốc quỹ Shinkin Asset Management Naoki Fujiwara cho biết mức lỗ này là điều đã được dự báo trước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đã hồi phục đáng kể sau tháng 3. Vì thế, GPIF có lẽ cũng đã bù lại được phần nào thiệt hại này trong quý II.

"Danh mục hiện tại phụ thuộc nhiều vào biến động trên thị trường chứng khoán. Chúng ta đang trong thời kỳ lợi suất thấp và tình hình này có thể duy trì trong 2 năm tới. Vì thế, danh mục này hiện tại có thể ổn, nhưng trong dài hạn, họ nên điều chỉnh cơ cấu cổ phiếu", Fujiwara cho biết. Mối lo làn sóng Covid-19 thứ hai bùng nổ đang kéo tụt đà phục hồi của chứng khoán toàn cầu.

GPIF cho biết không vội vã mua trái phiếu nước ngoài và hiện tài sản này vẫn dưới 3% so với quota. Quỹ này thường đầu tư dài hạn với thời gian 10 – 20 năm. Họ khẳng định kết quả kinh doanh của một năm không ảnh hưởng đến việc chi trả lương hưu.

GPIF đầu tư theo nhiều chỉ số, như FTSE Blossom Japan, MSCI Japan ESG Select Leaders và MSCI Japan Empowering Women. Trong quý I, chỉ số MSCI All-Country World giảm 22%, còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 1,25% xuống thấp kỷ lục do các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ của Fed.


Theo vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục