Nhà đầu tư Trung Quốc “đánh bạc” với sản phẩm đầu tư qua ngân hàng

(ĐTCK) Nhà đầu tư chấp nhận thua lỗ tại thị trường với quy mô lên tới 3.500 tỷ USD.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Nhà đầu tư cũng như những người gửi tiết kiệm tại Trung Quốc vừa trải nghiệm điều chưa từng diễn ra trước đây: Chấp nhận thua lỗ tại thị trường các sản phẩm quản lý tài sản lợi suất cao do các ngân hàng có vốn nhà nước cung cấp, với quy mô thị trường lên tới 25.000 tỷ nhân dân tệ (3.500 tỷ USD).

Thị trường tài chính Trung Quốc đang chứng kiến biến động chưa từng xảy ra, khi các sản phẩm đầu tư, ủy thác đầu tư, quản lý tài sản (Wealth management products - WMPs) cho cá nhân giàu có mà các ngân hàng lớn, có vốn nhà nước cung cấp mang lại lợi suất âm.

Các nhà đầu tư Trung Quốc từ lâu vẫn tin rằng, các sản phẩm kiểu này an toàn như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

WMPs tương tự một chứng chỉ tiền gửi ngân hàng, nhưng mang lại lợi suất cao hơn cho người mua. Cụ thể, ngân hàng phát hành WMPs cho nhà đầu tư, cam kết lợi nhuận cao hơn mức lãi suất huy động hiện tại, vốn đang ở mức rất thấp.

Sau đó, ngân hàng sử dụng tiền này để đầu tư vào các tài sản khác, phổ biến là trái phiếu chính phủ và các sản phẩm của thị trường tiền tệ.

Trong tháng này, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng mạnh, khiến giá của trái phiếu chính phủ giảm xuống. Vì thế, giá trị các sản phẩm WMPs có gắn với trái phiếu chính phủ cũng giảm theo, Chinawealth.com - trang web chính thức của nhà quản lý thị trường WMPs thông tin.

Ðiều này khiến nhiều nhà đầu tư lần đầu tiên chứng kiến tài khoản cá nhân của mình giảm giá, làm bùng nổ làn sóng giận dữ.

Nhà đầu tư Trung Quốc “đánh bạc” với sản phẩm đầu tư qua ngân hàng ảnh 1

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 5 năm tăng mạnh nhất trong tháng 5 kể từ năm 2010.

Một website bảo vệ người tiêu dùng tại Trung Quốc chứng kiến hàng trăm nhà đầu tư đăng đàn thể hiện sự bức xúc khi tài khoản ngân hàng của họ bất ngờ chịu lỗ, cũng như không hài lòng về sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin của các nhà băng.

Tena Yu, một nhà đầu tư có 1 triệu nhân dân tệ gửi tiết kiệm qua MWPs đã luôn được hưởng lãi suất khoảng 4%/năm trong 5 năm qua. Nhưng mới đây, tài khoản này lần đầu tiên giảm xuống dưới mức gửi vào.

“Tôi chưa từng thấy tài khoản MWPs của mình xuống thấp hơn mức tiền gửi”, Tena Yu nói và cho biết thêm, trong số các khoản tiền gửi tại các ngân hàng, khoản lỗ nhiều nhất là tại China Merchants Bank Co với mức giảm 3%.

Jin Qi, Chủ tịch đơn vị quản lý tài sản tại Bank of Communication Co (Bocom) đánh giá, WMPs đang dần chuyển sang hình thái hoạt động như quỹ đầu tư, với biến động giá trị tài sản ròng (NAV). Nhà đầu tư cần phải làm quen với hình thái này và chấp nhận thua lỗ có thể gia tăng, thay vì suy nghĩ đây là sản phẩm tiết kiệm hưởng lãi suất đều đặn.

“Ðây là quá trình cần thiết để chuyển đồi thị trường tài chính và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận phần rủi ro của mình”, Jin Qi nói.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu PY Standard, giá trị tài sản ròng của các sản phẩm WMPs đạt 12.500 tỷ nhân dân tệ trong quý I/2020. Trong đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ gần 90% giá trị WMPs.

Mặc dù giới chức Trung Quốc đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành WMPs, nhưng nhu cầu ổn định và giữ xu hướng tăng khiến sản phẩm này vẫn đắt hàng, nhất là khi môi trường lãi suất được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) duy trì ở mức thấp, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và thị trường chứng khoán nhiều biến động khó đoán định.

Thực tế, ngay cả khi thông tin về biến động mới của thị trường được công bố, hoạt động phát hành WMPs cũng không chịu nhiều ảnh hưởng. Trong 10 ngày đầu tháng 6, đơn vị quản lý tài sản của Bocom bán được khoảng 10 tỷ nhân dân tệ sản phẩm mới, tương đương với tháng trước đó, theo Jin Qi.

China Merchants Bank, một trong những nhà phát hành WMPs lớn nhất Trung Quốc cũng cho biết, hoạt động phát hành mới không chịu tác động bởi các biến động giảm giá trị tài sản ròng (NAV) gần đây. Các ngân hàng lớn khác như Industrial & Commercial Bank of China Ltd, Shanghai Pudong Development Bank Co và China Guangfa Bank Co thì từ chối bình luận.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục