Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS 2024), phiên thảo luận về đầu tư mạo hiểm vào Web 2 và Web 3 đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ. Với sự góp mặt của các đại diện từ nhiều quỹ đầu tư lớn như SSIAM, Rocktree Capital, Lisk và Thinkzone, phiên thảo luận làm sáng tỏ xu hướng dịch chuyển, các tiêu chí đánh giá cũng như mức độ sẵn sàng trong việc rót vốn vào các startup công nghệ thế hệ mới, thế hệ Web 3.
Cơ hội đầu tư từ sự dịch chuyển Web 2 sang Web 3
Theo dõi phiên thảo luận, các diễn giả đều đồng thuận rằng, đầu tư vào Web 3 đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý, dù vậy, Web 2 vẫn là lựa chọn quen thuộc và an toàn hơn đối với nhiều quỹ đầu tư.
Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc SSIAM, mở đầu bằng cách đặt Web 3 trong bối cảnh lịch sử của các quỹ đầu tư.
"Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm đã từng đổ vốn rất mạnh vào các công ty công nghệ trong thời kỳ bùng nổ Internet (Web 1) và tiếp tục đặt cược lớn vào nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử trong giai đoạn Web 2. Những khoản đầu tư đó đã tạo ra những gã khổng lồ như Google, Facebook, Amazon. Bây giờ, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng mới, Web 3 mở ra những cơ hội chưa từng có nhờ vào sự kết hợp của công nghệ blockchain và tính phi tập trung", ông Dũng nói và nhấn mạnh rằng, sự chuyển dịch này không phải chỉ là xu hướng mà là một phần tất yếu trong chu kỳ phát triển công nghệ và thị trường vốn.
"Với góc nhìn từ một công ty chứng khoán, chúng tôi nhận thấy quy mô vốn hóa và thanh khoản thị trường này rất hấp dẫn, đặc biệt khi so sánh giá trị giao dịch chứng khoán Việt Nam; quy mô giao dịch của Việt Nam trong thị trường Web 3, đặc biệt là tiền mã hóa, đã đang lớn hơn cả thị trường tài chính truyền thống. Do đó, nếu có khung pháp lý rõ ràng, cơ hội sẽ rộng mở cho tất cả các bên tham gia", ông Dũng cho biết.
Về sự dịch chuyển đầu tư, bà Cathy Zhu, Venture Partner của Rocktree Capital chia sẻ thêm rằng: “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào hệ sinh thái Bitcoin và Ethereum trong năm qua. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi tin tưởng là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, cũng như các mô hình ứng dụng thực tế của Web 3 có thể tạo ra cầu nối với Web 2”.
Ở góc nhìn thận trọng hơn, bà Alexis Low, đại diện từ Lisk nhìn cả về những cơ hội và thách thức đối với Web 3. "Web 2 chủ yếu xoay quanh việc xây dựng nền tảng tập trung, trong khi Web 3 hướng đến cộng đồng và các nền kinh tế phi tập trung. Điều này đặt ra một loạt thách thức mới, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư sẵn sàng đón đầu xu thế".
Những tiêu chí được quan tâm khi rót vốn
Trên đây là góc nhìn của các tổ chức về cơ hội với Web 2 và Web 3. Về phần tiêu chí, đại điện các tổ chức cho biết thường dựa vào một số tiêu chí nhất định để đánh giá tiềm năng của các công ty khởi nghiệp. Dù các yếu tố cơ bản như đội ngũ sáng lập, sản phẩm phù hợp với thị trường hay chiến lược phát triển vẫn không thay đổi giữa Web 2 và Web 3, các đặc điểm cụ thể của từng mô hình cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư.
Ông Nguyễn Phan Dũng chia sẻ rằng, yếu tố doanh thu, biên lợi nhuận và khả năng giải quyết nhu cầu thực tế của thị trường luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá một dự án.
"Các doanh nghiệp Web 2 thường dựa vào những mô hình kinh doanh quen thuộc với nguồn doanh thu và tốc độ tăng trưởng mang tính bền vững và có thể dự phóng được, ví dụ từ thương mại điện tử hay quảng cáo trực tuyến. Trong khi đó, với Web 3, điều quan trọng là phải chứng minh rằng công nghệ blockchain có những ưu việt hơn và có thể giải quyết các nhu cầu thực sự của cộng đồng người dùng. Nếu sản phẩm có tính ứng dụng cao và mang lại giá trị thực tiễn thì cơ hội gọi vốn sẽ cao hơn".
Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc SSIAM: "Chúng tôi rất hứng thú với công nghệ Web 3, nhưng mọi thứ còn phụ thuộc vào khung pháp lý” |
Bà Cathy Zhu từ Rocktree Capital cũng nhấn mạnh rằng, doanh thu là một trong những yếu tố cốt lõi khi đánh giá dự án Web 3, nhưng cách tạo ra dòng tiền từ token hay các ứng dụng blockchain lại khác biệt hoàn toàn so với Web 2.
Bà giải thích: "Web 2 dựa vào các dòng doanh thu truyền thống như bán hàng hay quảng cáo. Ngược lại, Web 3 phức tạp hơn, đòi hỏi nhà đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng về tokenomics và hiệu ứng mạng lưới. Một mô hình thành công phải có sự kết hợp giữa giá trị từ cộng đồng và khả năng thương mại hóa sản phẩm".
Nói thêm, theo ông Bùi Thành Đô, thành viên sáng lập của Thinkzone, tầm quan trọng của việc xác định một vấn đề thực tế mà dự án Web 3 có thể giải quyết, thay vì chỉ tập trung vào công nghệ hay sự tăng trưởng của token. Ông cho rằng đội ngũ sáng lập cần phải có kinh nghiệm và khả năng phát triển sản phẩm thật sự hữu ích và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
"Chúng tôi không muốn đầu tư vào những công ty chỉ có ý tưởng hay công nghệ mà thiếu đi khả năng thực hiện và tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng. Các nhà sáng lập cần phải có kinh nghiệm và hiểu rõ thị trường mà họ đang nhắm tới."
Ngoài những yếu tố cơ bản như đội ngũ sáng lập, mô hình kinh doanh và sự phù hợp với nhu cầu thị trường, các quỹ đầu tư mạo hiểm còn đặc biệt chú trọng đến khả năng thoái vốn (exit strategy). Với Web 2, chiến lược thoái vốn thông qua IPO hoặc mua lại bởi các công ty lớn là khá rõ ràng và được ưa chuộng. Tuy nhiên, với Web 3, các nhà đầu tư cũng phải xem xét các phương thức thoái vốn khác như giao dịch token trên sàn hoặc thông qua các phương thức phi truyền thống.
Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt giữa Web 2 và Web 3 trong cách thức tạo ra doanh thu và triển khai chiến lược thoái vốn, yếu tố quan trọng nhất vẫn là khả năng ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế của thị trường, và làm sao để xây dựng được mô hình kinh tế bền vững cho cả doanh nghiệp và cộng đồng người dùng.
Tổng hợp lại phần tiêu chí đánh giá đầu tư, các diễn giả đồng tình rằng cả Web 2 và Web 3 đều cần đảm bảo tính bền vững về tài chính. Tuy nhiên, với Web 3, trọng tâm không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn ở việc xây dựng các mô hình kinh tế cộng đồng, nơi người dùng không chỉ tham gia mà còn trở thành người đồng sở hữu, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài của hệ sinh thái.
Các diễn giả đều đồng tình với quan điểm Web 3 sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có |
Khi nào các tổ chức sẵn sàng đầu tư vào Web 3 ở Việt Nam?
Phần chia sẻ trên đã cho thấy được rằng các tổ chức đã đặt ra những tiêu chí rất rõ ràng khi đầu tư, dù là Web 2 hay Web 3. Web 3 được thừa nhận là xu hướng không thể tránh khỏi, các tổ chức vẫn duy trì thái độ thận trọng khi đầu tư vào những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam
Nói về quyết định này, theo Phó tổng giám đốc SSIAM: "Chúng tôi rất hứng thú với công nghệ Web 3, nhưng mọi thứ đầu tiên còn phụ thuộc vào khung pháp lý. Khi có cơ sở pháp lý vững chắc, tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội lớn không chỉ cho chúng tôi mà còn cho toàn bộ nền kinh tế."
Bà Cathy Zhu và ông Bùi Thành Đô cũng đều nhấn mạnh rằng việc đầu tư vào Web 3 yêu cầu một sự am hiểu sâu sắc hơn về rủi ro và cơ hội, đặc biệt là về mặt pháp lý. Bà Zhu bày tỏ: "Khung pháp lý của Web 3 vẫn còn khá mơ hồ, điều này đòi hỏi các quỹ phải cực kỳ thận trọng trong việc đánh giá và quản lý rủi ro", bà Cathy Zhu nói.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính phủ và các chương trình ươm tạo, bà Cathy Zhu tin rằng, Web 3 có thể sớm trở thành lĩnh vực chủ đạo trong các danh mục đầu tư của quỹ.
Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS) diễn ra trong hai ngày 3 – 4/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia do hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính chứng khoán là Tập đoàn FPT và CTCP Chứng khoán SSI điều hành sự kiện.
Xoay quanh 4 chủ đề chính là Fintech, AI, Blockchain và Game, VTIS 2024 có sự góp mặt của hơn 100 diễn giả hàng đầu trên thế giới đến từ JP Morgan Chase, Qualcomm, Google, AWS, Binance, Kucoin, Bitget, MEXC, OKX, Bingx, Tether, Strant, U2U Network, Holdstation, Maxx Capital, AIxBlock, Lbank, Aethir, Coinex, ATX, Din, Weatfit AI, Beatvn, SightSea, Flipster, cùng các diễn giả nổi tiếng trong nước đến từ SSI Digital, SSIAM, VinAI, Zalopay, FPT, VietinBank, Axie Infinity, Aura Network,...
Sự kiện có sự tham dự của đại diện tại hơn 500 doanh nghiệp từ hơn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 20.000 người tham dự.