"Quỹ đầu tư" biến tướng

(ĐTCK-online) Bạn có tiền nhưng ít am hiểu về chứng khoán cũng như không có nhiều thời gian để tự đầu tư, bạn không muốn gửi tiền vào các quỹ đầu tư vì thị giá chứng chỉ quỹ thấp hơn giá trị tài sản ròng (NAV)…, các "quỹ đầu tư" dạng mở năng động sẽ giúp bạn.
Vài năm tới, hoạt động ủy thác đầu tư sẽ rất phát triển - Ảnh: Hoài Nam Vài năm tới, hoạt động ủy thác đầu tư sẽ rất phát triển - Ảnh: Hoài Nam

Họ có thể là pháp nhân với tên gọi là công ty tài chính, công ty đầu tư, công ty tư vấn…, nhưng cũng có thể là những cá nhân NĐT có kinh nghiệp trên thị trường. Quy định pháp lý nào cho các hoạt động này đang là vấn đề để ngỏ.

Đa dạng

Đã mấy năm nay, người thân và bạn bè đặt trọn niềm tin cho V để tham gia đầu tư chứng khoán. Nếu là người nhà thì đưa tiền trực tiếp cho V quản lý. Còn những người cẩn trọng hơn thì mở tài khoản đứng tên mình, nộp tiền vào ngân hàng, sau đó ủy quyền cho V giao dịch. Các chủ tài khoản có thể kiểm tra tiền và chứng khoán hàng ngày của mình. Nếu khoản đầu tư sinh lợi nhuận, người đứng ra quản lý sẽ được 20% lợi nhuận ròng, nếu thua lỗ thì người quản lý không bị mất tiền hoặc chỉ chia sẻ một phần rất ít. Những giao kèo này chỉ bằng miệng, được hình thành trên cơ sở giữa các NĐT với nhau.

Gần đây, trên một số sàn giao dịch thường thấy NĐT tên N đi "kêu gọi đầu tư". Theo quảng cáo, chị N là NĐT có kinh nghiệm, có khả năng phân tích, sẽ hạn chế thua lỗ và giúp gia tăng lợi nhuận cho NĐT. Khác với những NĐT khác hay đánh theo "đội lái", chị N thiên về trường phái phân tích kỹ thuật và hay đánh theo "sóng".

"Như giai đoạn này, chúng tôi đứng ngoài và đợi đến cuối tháng 8 mới trở lại thị trường. Cũng tùy từng thời điểm, nhưng mỗi sóng cũng phải kéo dài vài tháng, chứ không phải là đánh T+", chị N cho biết.

Nếu đầu tư theo mã chứng khoán chị N tư vấn và sinh lời, NĐT phải trả cho chị 10% lợi nhuận ròng. Trường hợp NĐT không có điều kiện giao dịch có thể ủy quyền cho chị N đặt lệnh trực tuyến hoặc điện thoại. Như vậy, NĐT hoàn toàn làm chủ tài khoản của mình.

Trên đây là hình thức quản lý đầu tư đang diễn ra khá phổ biến và có phần lỏng lẻo.

Có những cách chuyên nghiệp hơn là ủy thác vốn qua các công ty là những pháp nhân được thành lập với giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đó thường là công ty tư vấn tài chính, công ty tư vấn đầu tư. Họ không chỉ đầu tư chứng khoán, mà còn đầu tư bất động sản, tìm kiếm những địa chỉ sinh lời khác. Theo quy định, các công ty này không được đứng ra huy động vốn để đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, họ tìm cách lách luật bằng cách ký hợp đồng dân sự giữa công ty và NĐT, trong đó tránh những từ như ủy thác đầu tư, quản lý quỹ, mua bán chứng khoán… Hoạt động của các công ty này tiềm ẩn những rủi ro khi không đáp ứng các yêu cầu về quản trị rủi ro đối với hoạt động quản lý tài sản.

 

Chờ quy định

Trước trào lưu thành lập CTCK và công ty quản lý quỹ năm 2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có quyết định tạm ngừng nhận hồ sơ thành lập công ty quản lý quỹ. Từ đó đến nay chưa có thêm công ty quản lý quỹ nào được cấp phép. Việc thành lập quỹ đầu tư khắt khe hơn, khi một trong những yêu cầu bắt buộc là cổ đông sáng lập phải là tổ chức tài chính - ngân hàng.

Hoạt động quản lý danh mục đầu tư của các công ty hiện nay có lẽ phù hợp nhất với công ty đầu tư chứng khoán - một mô hình đang được UBCK lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc tổ chức, hoạt động và quản lý công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ.

Loại công ty này không có cơ sở vật chất, không có bộ máy nhân sự, không có tổng giám đốc và các chức danh điều hành. Loại công ty này chỉ có chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật. Công ty đầu tư chứng khoán đã được đề cập trong Luật Chứng khoán từ năm 2007, nhưng từ đó đến nay, chưa có công ty đầu tư chứng khoán nào được thành lập.

Về bản chất, mô hình công ty đầu tư chứng khoán giống như một quỹ đầu tư thành viên, nhưng khác quỹ đầu tư thành viên ở chỗ, công ty có tư cách pháp nhân, còn quỹ thì không.

"Trước những thua lỗ của NĐT cá nhân trong thời gian qua, vài năm tới, hoạt động ủy thác đầu tư sẽ rất phát triển. Do đó, trước mắt chúng tôi hoạt động như một công ty tư vấn đầu tư, sau đó sẽ xin phép thành lập công ty quản lý quỹ trên cơ sở kết hợp với một công ty bảo hiểm hay ngân hàng nào đó", giám đốc một công ty tài chính cho biết. Hiện DN này đang quản lý số tiền khoảng vài chục tỷ đồng.

Quỹ mở, quỹ đóng hay công ty đầu tư chứng khoán đang là những lựa chọn cho hoạt động ủy thác đầu tư, quản lý tài sản. Trong số 46 công ty quản lý quỹ hiện nay mới có 4 quỹ đầu tư đại chúng và khoảng 10 quỹ đầu tư thành viên. Trong lúc đợi hành lang pháp lý, việc tồn tại những "quỹ đầu tư" biến tướng như một bước quá độ, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro mà mỗi NĐT phải biết cách tự bảo vệ mình.

Trần Trung
Trần Trung

Tin cùng chuyên mục