Quỹ đầu tư: Áp lực cải tổ

(ĐTCK-online) Cuối cùng, sự kiện gây nhiều chú ý nhất của TTCK Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 cũng đã khép lại với việc Quỹ VEIL được phần lớn cổ đông bỏ phiếu đồng ý tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc xảy ra sẽ không rơi vào lãng quên mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều quỹ đầu tư khác.
Hoạt động không thực sự thuyết phục, nhưng nhà quản lý vẫn hưởng phí bình thường là lý do khiến thị trường không mặn mà với chứng chỉ quỹ (Ảnh minh hoa: whatinvestment) Hoạt động không thực sự thuyết phục, nhưng nhà quản lý vẫn hưởng phí bình thường là lý do khiến thị trường không mặn mà với chứng chỉ quỹ (Ảnh minh hoa: whatinvestment)

>> Gỡ khó cho các quỹ đầu tư

Để tránh rơi vào kịch bản xấu, các quỹ nước ngoài đứng trước việc phải hành động để cải tổ sâu rộng. Các quỹ đại chúng nội địa, cũng không nằm ngoài xu hướng trên nếu muốn thu hút sự quan tâm của NĐT nhiều hơn.

Cổ đông tạo áp lực: Động cơ cải tổ sâu rộng

Dù sự việc đã khép lại có hậu cho các nhà quản lý của VEIL nhưng theo chuyên gia chứng khoán Hồ Quốc Tuấn, vẫn có một số điểm gợi ra từ góc nhìn khác về vấn đề của VR Capital yêu cầu VEIL giải thể trước thời hạn: Vụ việc tương tự tại nước ngoài được coi là rất bình thường, vì đơn giản nếu quỹ không được giao dịch quá xa giá trị tài sản ròng (NAV) thì cổ đông không thể đặt ra các yêu cầu giải thể trước thời hạn. Tại nước ngoài, VR Capital được xem là một dạng nhà buôn chứng khoán (arbitrage).

Xu thế yêu cầu đóng quỹ là câu chuyện đang diễn ra ở nhiều nơi khi các NĐT tìm cách rút vốn, hoặc kiếm lợi từ những quỹ đầu tư không hoạt động tốt do khủng hoảng tài chính 2 năm qua. Tuy nhiên, không phải yêu cầu nào cũng xuất phát từ mục đích "rỉa thịt".

Có thể lấy câu chuyện về trường hợp của DWS Drewan Value Income Edge Fund (Deustche Bank quản lý, đang niêm yết tại TTCK Mỹ) mới đây làm ví dụ.

DWS đã trở thành mục tiêu của nhiều arbitrage vào đầu năm 2010. Một vài ý kiến mà các arbitrage này đưa ra trong bản yêu sách về Quỹ là: Giá trị của Quỹ đã bị giảm đi nhiều so với giá trị ban đầu vì các NĐT đã mất đi lòng tin vào Ban điều hành; Giám đốc đầu tư của Quỹ và các cộng sự đã có tiền sử bị UBCK Mỹ (SEC) phê bình và bị chính những cổ đông kiện khi đã có những hành động đi ngược lại với lợi ích của cổ đông; Hoạt động của Quỹ đã và đang quá tệ…

Không giống như các arbitrage, nhiều cổ đông còn lại muốn hành động để biến DWS thành quỹ mở, hoặc đơn giản là gây áp lực buộc Ban điều hành phải có những bước đi mạnh mẽ hơn, ngăn đà giảm giá của chứng chỉ quỹ. Cho dù bản đề án của các arbitrage này sau đó bị phủ quyết, nhưng Ban điều hành DWS đã trở nên năng động hơn trong những giao dịch chặn đà giảm giá của chứng chỉ quỹ.

Tạp chí BusinessWeek nêu trường hợp của Pilgrim America Bank & Thrift Fund, cổ đông cũng gây áp lực lên Ban điều hành Quỹ về việc giải thể. Tuy nhiên, sau đó, hai phía đạt được thỏa thuận biến Pilgrim America Bank & Thrift Fund thành quỹ mở, đồng nghĩa với việc các cổ đông có thể giao dịch chứng chỉ quỹ gần giá trị tài sản hơn.

Khi thông tin được hé lộ, ngay lập tức giá Pilgrim America Bank & Thrift Fund đã tăng 9% trong vòng 3 ngày, khiến mức chiết khấu giữa thị giá và giá trị tài sản ròng "co" lại từ 12% lên 4%. Dù vậy, BusinessWeek cũng đưa ra một nhận xét thú vị rằng, dù nhiều quỹ đóng trước các áp lực cổ đông biến thành quỹ mở, nhưng thường các nhà quản lý quỹ phản đối xu hướng này do phí quản lý quỹ phụ thuộc vào tài sản. Và một khi quỹ đóng biến thành quỹ mở thì "bầu sữa" sẽ nhanh chóng giảm xuống.

Thực tế, việc các cổ đông yêu cầu đóng quỹ trước thời hạn không hẳn bao giờ cũng vô lý, vì rất không công bằng khi quỹ đóng hoạt động kém hiệu quả nhưng các nhà quản lý vẫn luôn được hưởng phí, thiệt hại đẩy về phía cổ đông. Tạo ra áp lực giải thể đôi khi là cách tốt nhất buộc ban quản lý quỹ phải năng động hơn trong tương lai.

Quỹ đại chúng nội địa: Tạo ra lợi nhuận thực sự cho các NĐT

Trung tuần tháng 2/2009, CLB Quản lý quỹ Việt Nam họp phiên đầu tiên, ra mắt các thành viên. VN-Index khi đó là 250 điểm. Khi đề cập đến xu hướng thị trường, CEO một quỹ đầu tư tên tuổi đã phát biểu, khẳng định như đinh đóng cột về việc VN-Index sẽ về mức 200 điểm trước ánh mắt hoài nghi của đại diện hàng chục quỹ đầu tư lớn, nhỏ khác. Tuy nhiên, thực tế, một tuần sau đó VN-Index đã tạo đáy ở 235 điểm và đi lên.

Trong suốt hành trình tăng trưởng dài nhất 8 tháng sau đó, VN-Index phục hồi ấn tượng 116%, nhưng nhiều mã tăng tới 500 -600%. Thực tế,  NAV của quỹ đại chúng kia chỉ tăng chưa tới 8% do phần lớn danh mục vẫn "bảo thủ" với trái phiếu và tiền mặt. Kết quả nghèo nàn này khiến CEO chủ chốt của quỹ ra đi vào mùa thu. Tuy nhiên, sự trả giá của một cá nhân không bù đắp được thiệt hại của tập thể: quỹ đã bỏ lỡ cơ hội lớn nhất trên TTCK trong năm 2009.

Cay đắng hơn, hiện tại NAV của quỹ vẫn đang ngụp lặn sâu dưới mệnh giá sau chặng đường 3 năm rưỡi - 1/2 thời hạn hoạt động 7 năm của quỹ. Bất kể những lời có cánh khi huy động vốn vào năm 2006, 3 năm NĐT góp vốn ban đầu chưa được hưởng một đồng cổ tức.

Hiện tại, đang có 4 chứng chỉ quỹ đã niêm yết (VF1, VF4, BF1 và PF1) và một chuẩn bị niêm yết (VFA). Các chứng chỉ quỹ đang bị thị trường chiết khấu từ 25 - 54%, tương ứng với mức chiết khấu của các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng khá cao so mặt bằng chung khu vực (duới 20%, phổ biến dưới 15%).

Một kịch bản tương tự như VEIL với các nhà quản lý nội địa là không thể, bởi lẽ có thể loại trừ cuộc tấn công bên ngoài (do hạn chế của thị trường về thanh khoản và biên độ giá), trong khi đó thị trường vốn trong nước với các khuôn mặt quen thuộc khá nhỏ để cho ai đó bỗng có khát vọng muốn biến thành "kền kền". Chưa chịu áp lực giải thể, nhưng không đồng nghĩa với việc các quỹ đại chúng trong nước không phải cải tổ mạnh mẽ.

Mô hình quỹ mở - được coi là giải quyết được nhiều vấn đề của quỹ đóng từ thực tế hoạt động hiện nay vừa được cơ quan quản lý xin ý kiến các thành viên thị trường. Các thảo luận, đóng góp khá sôi nổi từ phía các nhà tạo lập thị trường và cơ quan quản lý. Nhưng khác với các đề xuất tăng cường tính thanh khoản (rút ngắn thời gian giao dịch T+, ký quỹ…), với đề xuất mới, NĐT cá nhân hoàn toàn thờ ơ. Đơn giản là trong giai đoạn hiện tại, NĐT không có nhu cầu góp vốn vào các quỹ đại chúng. NĐT không quan tâm, quỹ không huy động được vốn, đóng hay mở cũng không khác gì nhau.

Chịu mức chiết khấu cao, hoạt động không thực sự thuyết phục, thậm chí có giai đoạn thua lỗ nhưng nhà quản lý vẫn hưởng phí bình thường, NĐT chịu thua thiệt là các lý do chính khiến thị trường không mặn mà với chứng chỉ quỹ. Chưa tạo ra lợi nhuận thực sự cho các cổ đông, liệu chứng chỉ quỹ có sức hút?

Một số quỹ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang có mức chiết khấu rất cao giữa thị giá và giá trị tài sản ròng.

(Nguồn: Báo cáo LCF Edmond Rothschild Security Ltd ngày 11/6, đơn vị: triệu USD)

                        Quỹ đầu tư

                    Trực thuộc

Quy mô

Chiết khấu

DWS Vietnam Fund

Deustche Bank

270

-50,8%

Indochina Vietnam Capital Holding

Indochina Capital

  42

-36,5%

PXP Vietnam Fund

PXP Vietnam Asset Management

  59

-28,6%

Vietnam Dragon Fund (VDF)

Dragon Capital

157

-22,2%

Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL)

Dragon Capital

419

-23,7%

Vietnam Equity Holding (VEH)

Saigon Asset Management

  72

-56,9%

Vietnam Growth Fund (VGF)

Dragon Capital

232

-28,6%

Vietnam Holding

Vietnam Holding Asset Management

  83

-44,4%

Vietnam Infrastructure Ltd (VIL)

Vina Capital

256

-46,4%

Vina Capital Vietnam Opportunity Fund (VOF)

Vina Capital

787

-40,6%

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục