Solyndra chết vì được nuông chiều

(ĐTCK-online) Vụ Solyndra, công ty chuyên sản xuất các tấm pin hấp thụ nhiệt từ ánh sáng mặt trời biến thành điện năng của Mỹ, đệ đơn xin phá sản vào đầu tháng 9 đang gây lên tranh cãi lớn không chỉ trong giới đầu tư, kinh doanh, mà cả chính giới Mỹ.
Vì khuyến khích phát triển năng lượng sạch - tái tạo, chính phủ Mỹ đã “nuông chiều” Solyndra
Vì khuyến khích phát triển năng lượng sạch - tái tạo, chính phủ Mỹ đã “nuông chiều” Solyndra

Do Solyndra được vay 528 triệu USD vốn ưu đãi do Chính phủ Mỹ bảo lãnh, nên có nguy cơ số tiền trên (là tiền đóng thuế của người dân Mỹ) sẽ bị mất toi. Chính vì vậy, nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đến lục soát, khám xét và mang đi toàn bộ chứng từ, sổ sách của Công ty. 

Đầu tuần này, Brian Harrison, Giám đốc điều hành (CFO); Wilbur G. Stover, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách tài chính (CFO) của Solyndra đã phải ra điều trần trước Tiểu ban về năng lượng và thương mại của Hạ nghị viện Mỹ về vụ phá sản trên.

Chi tiết của buổi điều trần chưa được đăng tải, chỉ biết đại diện hai quỹ đầu tư tư nhân có vốn đầu tư lớn nhất vào Solyndra là Argonaut Private Equity và Madrone Capital Partners cũng bị triệu tập lên điều trần.

Theo nhiều người am hiểu nội tình, Solyndra không phải là công ty lớn, lại mới ra đời (được thành lập năm 2005), sản phẩm làm ra cũng chưa có gì ghê gớm, song do được ưu ái vay tiền công, lại kèm theo nhiều tình tiết nhạy cảm về mặt chính trị, nên vụ phá sản này sẽ không dễ… chìm xuồng.

Joe L. Barton, Hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hoà nêu vấn đề: “Thật không thể hiểu nổi một công ty cách đây vài tháng có vinh dự được đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama đến tham quan trực tiếp nhà máy sản xuất thì nay lại bị phá sản”.

Một số nhà đầu tư tư nhân ca thán, nếu Chính phủ Mỹ bị mất hơn 500 triệu USD, thì các nhà đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm bị mất ở đây tới gần 1 tỷ USD.

Cụ thể, Argonaut Private Equity đầu tư vào đây 271 triệu USD; GKFF Investment Co., một công ty con của Madrone Capital Partners (có quan hệ kinh tế với gia đình Walton sáng lập Wal-Mart Stores Inc, tập đoàn kinh doanh hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất thế giới) đầu tư 50 triệu USD…

Theo thông tin mới nhất của các chuyên gia định giá, nếu đem bán đấu giá vào thời điểm hiện tại, tổng tài sản của Solyndra ước không quá 75 triệu USD. Điều này có nghĩa là mọi khoản đầu tư của tư nhân lẫn vốn vay của Chính phủ có nguy cơ mất sạch.

Có trụ sở chính tại Fremont (bang California ), Solyndra là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên được nhận khoản tín dụng nằm trong Chương trình khuyến khích phát triển năng lượng xanh, sạch của Chính phủ Mỹ vào cuối năm 2009.

Trong hồ sơ xin vay vốn, Solyndra nêu rõ, số vốn vay từ Chính phủ Mỹ (thông qua Bộ Năng lượng Mỹ) sẽ được đầu tư toàn bộ vào xây dựng nhà máy sản xuất các tấm pin hấp thụ nhiệt từ ánh sáng mặt trời biến thành điện năng. Trong quá trình xây dựng, Solyndra sử dụng hơn 3.000 lao động, còn khi nhà máy mới khi đi vào sản xuất ổn định, sẽ sử dụng 1.000 công nhân làm việc lâu dài.

Ngoài ra, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời này cũng sẽ giúp tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động gián tiếp ở Mỹ. 

Một số ý kiến cho rằng, dù “vẽ” ra viễn cảnh của dự án hay như vậy, nhưng Solyndra được Chính phủ ưu ái và nhanh chóng cấp vốn cho còn vì một số lý do khác.

Trước hết, tỷ phú George Kaiser là nhà đầu tư cá nhân lớn vào Solyndra. Ông này lại là một trong số những cá nhân tích cực trong việc quyên góp tài chính phục vụ cho ông Barack Obama vận động tranh cử Tổng thống vào năm 2008. Có thể phải nhờ sự “lobby” mạnh của George Kaiser, thì Solyndra mới được ưu ái như vậy. Cũng chính vì vậy, có suy đoán rằng, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ bỏ ra thời gian vàng ngọc của mình để đi thăm cơ sở sản xuất còn “vô danh tiểu tốt” như Solyndra.

Thứ hai, Solyndra được chọn như là doanh nghiệp điển hình đầu tiên trong việc áp dụng công nghệ mới để thực hiện Chương trình phát triển năng lượng xanh, sạch được Chính phủ Mỹ hỗ trợ vốn vay ưu đãi.

Theo thông tin mới nhất, dù Solyndra bị chết yểu, song ngày 28/9 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã tiếp tục phê duyệt 2 khoản vay vốn trị giá 1 tỷ USD cho 2 dự án năng lượng mặt trời tại 2 bang Nevada và Arizona. Các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà được dịp lại công kích Chính phủ Mỹ không chịu rút ra bài học từ vụ Solyndra.

Để xử lý các đối tượng có liên quan đến vụ Solyndra phá sản còn phải chờ kết luận cuối cùng của FBI và các cơ quan chức năng, song chắc chắn ở đây có chuyện cơ quan quản lý buông lỏng việc giám sát việc sử dụng vốn vay. Bằng chứng là, theo kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán PriceWaterhouseCooper, năm 2009, Solyndra lỗ 373 triệu USD; năm 2010 lỗ nặng hơn 558 triệu USD. Thế mà là chủ nợ (Chính phủ Mỹ) chẳng có động thái can thiệp nào để đến nông nỗi hơn nửa tỷ USD tiền công nay có nguy cơ mất sạch. Rất có thể là Solyndra được nuông chiều quá, nên mới đến nông nỗi này.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục