Mỹ lại “nóng” chuyện tài khóa

(ĐTCK) Các chính trị gia Mỹ sắp bước vào vòng thương lượng quyết định cho chính sách tài khóa của nước này trong thời gian tới. Một trong hai bên chính tham gia thương lượng là Tổng thống Mỹ Barack Obama và phía còn lại các các thành viên của đảng Cộng hòa trong Hạ viện.
Tháng 7 tới, Mỹ sẽ phải nâng trần nợ hoặc cắt giảm mạnh ngân sách nếu không muốn bị vỡ nợ. Tháng 7 tới, Mỹ sẽ phải nâng trần nợ hoặc cắt giảm mạnh ngân sách nếu không muốn bị vỡ nợ.

Bối cảnh “sống còn”,

Tổng thống Obama vừa đưa ra một kế hoạch mới cho ngân sách Mỹ. Kế hoạch bao gồm việc tăng thuế thu nhập đối với những người Mỹ giàu có, nhưng cũng đồng thời cắt giảm chương trình trợ cấp an sinh xã hội - điều mà đảng Dân chủ vốn không muốn làm. Tổng thống đang tìm cách lôi kéo phe Cộng hòa vào một thỏa hiệp tài khóa.

Bản kế hoạch của ông Obama - với dự kiến sẽ chi tiêu 3,8 nghìn tỷ USD cho năm tài khóa 2014 - là bước chuẩn bị cho vòng thương lượng “được ăn cả, ngã về không” trong Quốc hội Mỹ tới đây. Vòng đàm phán sẽ diễn ra trong bối cảnh Mỹ cần phải nâng giới hạn trần nợ vào tháng 7 tới để tránh một cuộc đổ vỡ nợ công.

“Nền kinh tế của chúng ta sẽ còn bị treo lơ lửng chừng nào mà Washington chưa làm gì cả”, ông Obama nói trong một thông báo phát đi từ Nhà Trắng hôm thứ Tư. “Tôi vừa nhượng bộ các thành viên đảng Cộng hòa, vì vậy, trong những ngày tới và tuần tới, tôi hy vọng, họ sẽ trở nên khoáng đạt hơn trong suy nghĩ về vấn đề thâm hụt ngân sách cũng như nợ công”.

Kế hoạch ngân sách của ông Obama bao gồm cả các đề xuất cũ nhưng chưa từng được thông qua và các biện pháp mới. Một vài trong số các biện pháp mới đã được đề cập trong các cuộc thương thảo trước đây. John Boehmer, Chủ tịch Hạ viện, cho rằng, Tổng thống xứng đáng nhận được sự tin tưởng về cái gọi là “chỉ cắt giảm phần tăng thêm” của các chương trình chi tiêu lớn. Tuy nhiên, ông Boehmer cũng nói thêm: “Tôi hy vọng rằng, Tổng thống sẽ không sử dụng những thay đổi nhỏ này làm ‘con tin’ cho những đòi hỏi tăng thuế lớn hơn của ông ấy”.

Không đặt mục tiêu thặng dư ngân sách sau 10 năm nữa như các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện, ông Obama chỉ nhằm làm chậm lại tốc độ tăng thâm hụt ngân sách xuống còn 744 tỷ USD (hay 4,4% GDP) vào năm 2014 và 439 tỷ USD (tương đương 1,7% GDP) vào năm 2023.

 

Các dự định về thuế…

Tổng thống Obama dự định sẽ nâng mức doanh thu thuế trước tiên bằng cách hạn chế những ưu đãi về thuế đối với các gia đình có mức thu nhập trên 250.000 USD/năm, ấn định mức thuế suất 28%. Nhà Trắng cũng đề xuất một mức thuế tối thiểu đối với những người Mỹ kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi năm - một quy định được biết đến với tên gọi “Đạo luật Buffett”. Chỉ tính riêng hai đề xuất này, nếu được thực thi, sẽ giúp tăng thu cho ngân sách Mỹ 583 tỷ USD mỗi thập kỷ.

Tổng thống cũng đang đề nghị các mức thuế cao hơn đối với các khoản thu nhập từ những hoạt động khác, như thuế đối với lợi tức từ các các quỹ mạo hiểm và cổ phiếu, giúp tăng thu 16 tỷ USD; buộc các tài khoản hưu trí có trị giá từ 3 triệu USD trở lên phải chịu một loại thuế đặc biệt, giúp tăng thu 9 tỷ USD; tăng thuế bất động sản, giúp tạo thêm 79 tỷ USD; và thu phí hỗ trợ vượt qua khủng hoảng tài chính đối với các ngân hàng lớn, giúp ngân sách có thêm 59 tỷ USD. Ông Obama nhắc lại rằng, ông cam kết sẽ cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng thấp hơn tỷ lệ hiện nay (35%) và bù đắp cho khoản này bằng việc giảm các ưu đãi thuế kinh doanh khác.

 

… và về chi tiêu

Chi tiết có khả năng bị phản đối nhất trong bản kế hoạch ngân sách của ông Obama, và cũng gây tranh cãi ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, là việc thông qua cách tính CPI mới. Biện pháp kỹ thuật này sẽ tiết kiệm được 230 tỷ USD cho ngân sách Mỹ trong vòng một thập kỷ, nhưng đó cũng là phần mà phúc lợi xã hội mất đi. Tổng thống Obama cho biết, ông sẽ chỉ xem xét đề xuất này nếu nó bảo vệ cho những người cao tuổi sẽ bị tổn thương nhất. Ông Obama cũng đề xuất cắt giảm rộng hơn đối với chương trình Medicare, một chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ngoài ra, kế hoạch giảm chi của Tổng thống cũng bao gồm việc giảm trợ cấp cho khu vực nông thôn, cải cách trợ cấp lương thực, cho phép các tổ chức phi chính phủ lấy nguồn thực phẩm ngay tại địa phương để “giảm chi phí ”.

Tổng thống cũng đang tìm cách chi những đồng tiền mới vào những khu vực đáng tin cậy. Trong kế hoạch ngân sách của mình, ông dự kiến chi 40 tỷ USD cho sửa chữa lần đầu các tuyến xa lộ, cầu cống và sân bay, cũng như thiết lập một “ngân hàng hạ tầng quốc gia” và một dạng trái phiếu xây dựng để tài trợ cho các dự án địa phương.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục