Sự lây lan nhanh của virus Corona (Covid-19) gây lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giới đầu tư sợ hãi đồng loạt bán tháo ồ ạt trong phiên thứ Năm.
Việc Mỹ hạn chế đi lại từ châu Âu, cũng như đình chỉ các trận đấu thể thao, các nhà hàng đóng cửa hoặc lác đác vài khách khiến giới đầu tư cho rằng, không phải suy đoán về liệu kinh tế có suy thoái hay không, mà là suy thoái sâu đến mức nào.
Với mức giảm gần 10% của Dow Jones và hơn 9,5% của S&P trong phiên thứ Năm, chính là mức giảm tồi tệ nhất trong 3 thấp kỷ, kể từ phiên sụp đổ 19/10/1987, hay còn được gọi là “thứ Hai đen” khi Dow Jones mất 22,6%.
Dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần trước giảm, nhưng đó chỉ là quá khứ. Với diễn biến mới khi nhiều nhà hàng, điểm vui chơi, thậm chí nhà máy đóng cửa, dừng hoạt động, sa thải hàng loạt sẽ là tất yếu trong các tuần tới. Do đó, thông tin này không tác động gì nhiều tới nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 2.352,60 điểm (-9,99%), xuống 21.200,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 260,74 điểm (-9,51%), xuống 2.480,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 750,25 điểm (-9,43%), xuống 7.201,80 điểm.
Chứng khoán châu Âu thậm chí còn có phiên tồi tệ hơn khi các chỉ số có mức giảm trên dưới 12%, mức giảm theo ngày tồi tệ nhất trong lịch sử của chứng khoán khu vực này. Việc dịch Covid-19 lan rộng với số người mắc và tử vong ngày một tăng cao, trong số người nhiễm mới bao gồm cả một số chính trị gia. Cùng với đó, Italy chính thức chấm dứt mọi hoạt động thương mại trong nước, trừ các mặt hàng thiết yếu và dược nhằm chặn lây lan của virus. Tuy nhiên, đòn giáng mạnh nhất vào thị trường châu Âu chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế sâu rộng đối với việc đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh.
Kết thúc phiên 12/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 639,04 điểm (-10,87%), xuống 5.237,48 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 1.277,55 điểm (-12,24%), xuống 9.161,13 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 565,98 điểm (-12,28%), xuống 4.044,26 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên bán tháo trong ngày thứ Năm đẩy nhiều chỉ số xuống mức thấp nhất 3 năm và 4 năm rưỡi sau khi ông Trump làm náo loạn thị trường bằng cách áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc đi lại từ châu Âu và các quan chức WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 856,43 điểm (-4,41%), xuống 18.559,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 45,03 điểm (-1,52%), xuống 2.923,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 922,54 điểm (-3,66%), xuống 24.309,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 73,94 điểm (-3,87%), xuống 1.834,33 điểm.
Sự hoảng loạn không chỉ diễn ra trên thị trường chứng khoán mà với cả thị trường vàng, vốn được xem như là một kênh trú ẩn mỗi khi có chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng thoái kinh tế. Tuy nhiên, với đại dịch Covid-19 lần này, điều đó đã không còn đúng với vàng khi đại dịch này có thể khiến kinh tế thế giới suy thoái, qua đó làm giảm nhu cầu với kim loại quý.
Kết thúc phiên 12/3, giá vàng giao ngay giảm 59,4 USD (-3,63%), xuống 1.575,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 52,0 USD (-3,17%), xuống 1.590,3 USD/ounce.
Giá dầu thô dĩ nhiên cũng không nằm ngoài vòng xoáy giảm sâu khi vừa chịu tác động từ nhu cầu giảm do suy thoái kinh tế, vừa chịu cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê út và Nga.
Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,99 USD (-6,03%), xuống 30,99 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,95 USD (-8,24%), xuống 32,84 USD/thùng.