GDP giảm nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh nhất hơn 30 năm

Chỉ số S&P 500 tăng 12,7% trong tháng 4 – mạnh nhất kể từ năm 1987 do nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế sớm hồi phục sau đại dịch.
GDP giảm nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh nhất hơn 30 năm

Chốt phiên 30/4, chỉ số DJIA giảm 288 điểm, tương đương 1,17% về 24.345 điểm. S&P 500 giảm 0,92% về 2.912 điểm và Nasdaq Composite mất 0,28% xuống 8.889 điểm.

9 trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 hôm qua đóng cửa giảm. Mạnh nhất là ngành nguyên vật liệu và tài chính. Chứng khoán Mỹ đi xuống do các số liệu kinh tế ảm đạm và kết quả trái chiều trong báo cáo tài chính quý I của các công ty.

Dù vậy, tính chung cả tháng, các chỉ số chính tại phố Wall vẫn có tháng tăng mạnh nhất nhiều thập kỷ. S&P 500 tăng 12,7% trong tháng 4 – mạnh nhất kể từ tháng 1/1987 và gần sát mức kỷ lục thiết lập vào tháng 10/1974. DJIA cũng có tháng tốt nhất kể từ đầu năm 1987, trong khi Nasdaq tăng mạnh nhất 20 năm.

3 chỉ số chính đã hồi phục đáng kể từ đáy tháng 3 do nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ sớm hồi phục sau các tác động của lệnh phong tỏa. Tốc độ lây lan của đại dịch chậm lại và triển vọng có vaccine cũng giúp họ lạc quan hơn.

Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới cũng có tháng 4 tăng mạnh, bất chấp kinh tế trong nước ảm đạm. Chỉ số FTSE All World có tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Các mã blue chip tại Anh cũng đã tăng hơn 20% so với đáy gần nhất.

GDP giảm nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh nhất hơn 30 năm ảnh 1

Diễn biến các chỉ số S&P 500, FTSE 100 và FTSE All World cho thấy S&P 500 đã hồi phục về mức cách đây một năm.

Hiện tại, các công ty Mỹ vẫn lần lượt công bố báo cáo tài chính quý I. Đến nay, 236 doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã công bố, với hai phần ba có kết quả tốt hơn dự báo.

Apple và Amazon công bố báo cáo sau khi thị trường đã đóng cửa. Cổ phiếu Apple tăng hơn 2%, trong khi Amazon giảm hơn 5% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Facebook tăng 5,2% với doanh thu quý I vượt dự báo. Còn American Airlines giảm 4,9% vì quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2013.

Các đại gia công nghệ hưởng lợi lớn trong đại dịch. Cổ phiếu Amazon và Netflix đã tăng hơn 40% kể từ đáy giữa tháng 3. Việc hàng tỷ người trên thế giới phải ở trong nhà vì lệnh phong tỏa khiến họ tìm đến dịch vụ mua sắm và giải trí trực tuyến.

 "Thị trường đã phục hồi rất mạnh, nhưng chúng ta cũng đã chứng kiến những số liệu kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái thập niên 30", Paul Nolte – Giám đốc Danh mục đầu tư tại Kingsview Asset Management cho biết, "Việc kinh doanh và lợi nhuận có lẽ sẽ không bật lại nhanh theo hình chữ V như thị trường chứng khoán đâu".

Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ 6 tuần qua đã lên hơn 30 triệu. Tiêu dùng cũng lao dốc, còn GDP quý I đã giảm 4,8%.

Nhiều nhà đầu tư cũng ngờ khả năng các thị trường chứng khoán duy trì được đà tăng. Thời gian qua, chính sách kích thích mạnh tay của các nước đã góp phần kéo thị trường lên. "Đà tăng này rõ ràng không dựa trên các yếu tố nền tảng, mà nhờ vào sự hỗ trợ thanh khoản của Fed. Các công ty đang được bơm tiền mặt để tồn tại", Torsten Slok – kinh tế trưởng tại Deutsche Bank Securities nhận định trên FT.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục