Điểm tin quốc tế sáng 23/11

(ĐTCK) Chứng khoán châu Âu và châu Á tăng mạnh khi dữ liệu kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực khả quan. Thị trường Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Điểm tin quốc tế sáng 23/11

Chứng khoán châu Âu tăng: Dữ liệu kinh tế toàn cầu tích cực trong tháng 11 giúp chứng khoán châu Âu tiếp tục nối dài đà tăng điểm. Trong đó, dù chỉ số PMI chung của khu vực đồng euro vẫn thấp, nhưng của 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực và Đức và Pháp lại tăng mạnh khiến giới đầu tư hứng khởi hơn. Kết thúc phiên 22/11, chỉ số FTEU3 tăng 0,4% lên 1.101,7 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 39 điểm (+0,68%), lên 5.791,03 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 60,28 điểm (+0,84%), lên 7.244,99 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 20,86 điểm (+0,6%), lên 3.498,22 điểm.

Chứng khoán châu Á tăng: Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc tiếp tục khả quan trong tháng 11, cùng dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự kiến đã giúp chứng khoán châu Á tăng điểm. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc lại giảm điểm. Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 144,28 điểm (+1,56%), lên 9.366,80 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 218,84 điểm (+1,02%), lên 21.743,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 14,71 điểm (-0,72%), xuống 2.015,61 điểm.

Giá vàng đi ngang: Giá vàng có phiên biến động nhẹ khi thị trường Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, giá vàng giao ngay tăng 0,5 USD/ounce, lên 1.729,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2012 vẫn đứng ở mức 1.728,2 USD/ounce.

Giá dầu tăng nhẹ trở lại: Thỏa thuận ngừng bắn giữ Israel và Hamas khiến giá dầu giảm. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế toàn cầu tích cực đã hỗ trợ cho giá dầu không giảm sâu. Kết thúc phiên 22/11, giá dầu ngọt nhẹ giao ngay giảm 0,16 USD/thùng, xuống 87,12 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,92 USD/thùng, xuống 109,83 USD/thùng. 

Kinh tế Trung Quốc có dầu hiệu khởi sắc: Hoạt động của khu vực chế tạo Trung Quốc trong tháng 11 này tăng mạnh hơn nhiều so với tháng trước khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua, báo hiệu kinh tế Trung Quốc bắt đầu lấy lại đà phục hồi. Theo số liệu do HSBC công bố ngày 22/11, chỉ số PMI của khu vực chế tạo Trung Quốc trong tháng 11 đã trở lại mốc tăng trưởng, đạt 50,4 so với 49,5 trong tháng 10.

Châu Âu dự định giảm viện trợ phát triển: Bản dự thảo ngân sách mới nhất của EU cho giai đoạn 2014-2020 đã đề xuất việc giảm khoản chi 9,6 tỷ euro (12,3 tỷ USD) dành cho các dự án viện trợ, đồng thời dự tính cắt giảm 11% Quỹ Phát triển châu Âu (EDF). Quỹ này thường được dùng để hỗ trợ các nước thu nhập thấp ở châu Phi, vùng Caribe và Thái Bình Dương.

T.Lê tổng hợp
T.Lê tổng hợp

Tin cùng chuyên mục