Citigroup: sự tươi mới trong nhân sự cấp cao

(ĐTCK) Citigroup Inc., một trong những tập đoàn tài chính bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mới đây đã bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cao cấp sau khi bị Chính phủ gây áp lực về việc phải có Ban lãnh đạo giàu kinh nghiệm hơn trong hoạt động ngân hàng.

Theo thông báo công bố hôm đầu tuần, Citigroup đã bổ nhiệm cựu Chuyên gia giám sát ngân hàng của New York là Diana Taylor, 54 tuổi; CEO của Ripplewood Holdings LLC là Timothy Collins, 52 tuổi và Trưởng khoa Kinh doanh Trường Đại học Stanford là Robert Joss, 68 tuổi vào Ban lãnh đạo.

Ngoài ra, Jerry Grundhofer, 64 tuổi, cựu CEO của U.S. Bancorp mới được bổ nhiệm vào Ban lãnh đạo hồi đầu năm được chỉ định làm Kế toán trưởng và Trưởng bộ phận quản trị rủi ro thay cho John Deutch.

Nhóm tư vấn cổ đông của Citi, trong đó có RiskMetrics Group Inc. đã từng kêu gọi sa thải Ban lãnh đạo Tập đoàn trước khi cuộc họp ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào tháng 4 năm nay. Theo nhóm tư vấn này, Ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước việc Tập đoàn mất khả năng ngăn ngừa thua lỗ dẫn đến hậu quả là phải cầu cứu khoản việc trợ kỷ lục 52 tỷ USD từ Chính phủ. Trong một diễn biến khác, hồi tháng 2, Chủ tịch Citi là Richard Parsons tuyên bố sẽ có một cuộc cải tổ lớn trong Ban quản trị Tập đoàn với việc có đa số các thành viên độc lập.

Tuy nhiên, Deutch và 3 vị lãnh đạo khác nằm trong danh sách bị kêu gọi sa thải của nhóm tư vấn là Michael Armstrong, Alain Belda và Anne Mulcahy vẫn giữ được ghế trong Hội đồng quản trị.

"Họ mới chỉ tiến được nửa bước, song như thế là cũng đã là quá dài trong việc xây dựng lại Công ty", Dan Pedrotty, Giám đốc đầu tư của AFL-CIO, Liên đoàn lao động lớn nhất Hoa Kỳ nhận xét, nhưng lại "chua" thêm: "Chỉ bổ nhiệm thêm một vài giám đốc nhằm có được những gương mặt tươi mới hơn không có ý nghĩa nhiều nếu không loại bỏ đi những bộ phận thừa thãi".

Dường như thị trường không hưởng ứng thông tin nói trên khi cổ phiếu của Citigroup giảm 4 cent, tương đương 1,4%, xuống còn 2,73 USD trên Sở GDCK New York. So với mức đỉnh hồi tháng 12/2006, cổ phiếu này đã giảm tới 95%.

Theo một nguồn tin thân cận, quyết định bổ nhiệm mới này được đưa ra do áp lực của Chính phủ sau khi Bộ Tài chính đồng ý chuyển lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 25 tỷ USD thành cổ phiếu phổ thông.

Theo thông báo của Citigroup, do không có thành viên Ban lãnh đạo nào bị sa thải nên quy mô Ban lãnh đạo nay tăng lên 17 thành viên, trong đó 16 là thành viên độc lập, chỉ duy nhất CEO Vikram Pandit là có chân trong Hội đồng quản trị Tập đoàn.

Một số ý kiến cho rằng, việc có quá nhiều thành viên trong Ban lãnh đạo có thể gây ra tình trạng năm người mười ý, khó có thể nhất trí và đồng lòng thực hiện một vấn đề nào đó.

Kể từ khi Pandit thay thế Charles O. "Chuck" Prince làm CEO hồi tháng 12/2007, đã có thêm 8 thành viên độc lập trong Ban lãnh đạo Tập đoàn.

Theo các nguồn tin, bà Taylor là một cựu chuyên gia ngân hàng đầu tư và được bổ nhiệm làm Chuyên viên giám sát ngân hàng của New Yorkr từ năm 2003 đến năm 2007. Sau khi hết nhiệm kỳ, bà gia nhập Wolfensohn & Co. - một công ty đầu tư tư nhân mà Chủ tịch và CEO là cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James D. Wolfensohn. Từ năm 2006, Wolfensohn là chuyên gia tư vấn bên ngoài của Citigroup về chiến lược toàn cầu.

Trong khi đó, Joss trước khi trở thành Trưởng khoa Kinh doanh Trường Stanford vào năm 1999 đã từng là CEO của Westpac Banking Corp. Ltd. Ông đã biến công ty này từ tình trạng thua lỗ kỷ lục 1,56 tỷ đô la Úc trong 6 tháng trước khi nắm quyền năm 1993, thành một công ty có lãi tới 1,32 tỷ đô la Úc vào năm 1998.

Còn Collins là cựu CEO của Onex Corp., Lazard Freres & Co., Booz Allen & Hamilton và Cummins Engine Co.

"Các giám đốc mới được bổ nhiệm này là những bổ sung cần thiết cho đội ngũ nhân sự vô cùng tài năng của chúng tôi", Parsons phát biểu.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) Sheila Bair đã đặt dấu hỏi về khả năng lãnh đạo của Pandit và yêu cầu thực hiện những thay đổi về quản trị trong Tập đoàn, bởi theo bà, hiện Citigroup đang thiếu những lãnh đạo có kinh nghiệm về hoạt động ngân hàng thương mại. Vì thế, có vẻ như FDIC tỏ ra hài lòng đối với những thay đổi nhân sự mới nhất này.

RiskMetrics, công ty hiện được nhiều nhà đầu tư tổ chức giao phó việc định hướng lựa chọn doanh nghiệp, hồi tháng 4 đã cho rằng, thua lỗ của Citigroup một phần bắt nguồn từ sự "yếu kém về khả năng lãnh đạo" và "nghèo nàn về khả năng giám sát rủi ro". Theo công ty này, dù lỗi thuộc về cả Ban lãnh đạo nhưng một phần lớn trách nhiệm thuộc về các thành viên Ban kế toán, nơi theo dõi báo cáo tài chính và đánh giá rủi ro.

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh, Citigroup đạt lợi nhuận quý II là 4,3 tỷ USD, một con số rất ấn tượng so với kết quả lỗ 2,49 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn này đã phải trải qua 5 quý liên tiếp thua lỗ, khiến cho mức thâm hụt trong năm 2008 lên tới 18,72 tỷ USD.         


Xuân Hoà (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục