Chứng khoán Mỹ sụt giảm điểm tồi tệ

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu đẩy S&P 500 giảm gần 2%, còn Dow Jones đang dần xa mốc 10.000 điểm.
S&P 500 và Nasdaq có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp, còn Dow Jones dần xa mốc 10.000 điểm - Ảnh: AP. S&P 500 và Nasdaq có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp, còn Dow Jones dần xa mốc 10.000 điểm - Ảnh: AP.

Hôm thứ Tư, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán nhà mới trong tháng 9/2009 đã giảm 3,6%, đưa tổng số nhà bán trong 12 tháng xuống 402.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ) - thấp hơn so với mức dự báo 440.000 đơn vị của giới phân tích, từ mức 417.000 trong tháng 8/2009.

 

Báo cáo của Bộ này cũng cho biết giá trung bình một ngôi nhà, căn hộ trong tháng 9 đã tăng 2,45% so với tháng 8, lên 204.800 USD/đơn vị.

 

Cùng ngày, Bộ Thương mại cho hay số đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 9/2009 đã tăng 0,8% so với tháng 8/2009, nhưng vẫn giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Dự kiến ngày 30/10, số liệu về GDP quý 3 sẽ chính thức được công bố. Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ đạt 3,3% nhờ chi tiêu dùng phục hồi.

 

Tuy nhiên, ngày 29/10, Goldman Sachs đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3 xuống 2,7%, từ mức 3% được ngân hàng này đưa ra trước đó. Đây cũng là thông tin đã tác động tiêu cực, góp phần đẩy thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu.

 

S&P 500 và Nasdaq giảm phiên thứ tư liên tiếp

 

Chứng khoán Mỹ đã có phiên sụt giảm điểm mạnh, đưa S&P 500 và Nasdaq có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp, còn Dow Jones dần xa mốc 10.000 điểm.

 

Lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm hơn kỳ vọng - sau khi doanh số bán nhà mới sụt giảm và Goldman Sachs hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế quý 3 - giới đầu tư đã đẩy mạnh bán cổ phiếu.

 

Cả ba chỉ số đều giảm điểm khi thị trường mở cửa ngày giao dịch, tuy nhiên chỉ có Dow Jones trong phiên buổi sáng đã phục hồi lên trên ngưỡng giá trị phiên trước đó, còn S&P 500, Nasdaq liên tục mất điểm và đây cũng là hai chỉ số có biên độ giảm mạnh nhất trong ngày.

 

Quan sát thị trường cho thấy, khối lượng khớp lệnh khá thấp mỗi khi các chỉ số tăng điểm và chỉ đạt mức khớp lệnh lớn khi thị trường giảm mạnh. Điều này chứng tỏ người mua không thực sự hào hứng mua đuổi mà chỉ tận dụng lúc thị trường xuống thấp để mua vào. Khi thị trường đóng cửa ngày giao dịch thì cũng là lúc các chỉ số ở mức thấp nhất trong ngày, nhưng khối lượng khớp lệnh lại đạt cao nhất.

 

Sức cầu quá yếu đã đẩy Dow Jones mất điểm trong hầu hết thời gian giao dịch, các cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số trong khi biên độ tăng của một số mã blue-chip ở mức thấp, nên chỉ số này liên tục rời xa mốc 10.000 điểm. Biên độ giảm điểm của nhiều cổ phiếu blue-chip đã ở mức bất thường, trong đó cổ phiếu Alcoa giảm 6,87%, cổ phiếu Caterpillar hạ 3,95%, cổ phiếu GE trượt 3,42%, cổ phiếu JPMorgan mất 2,8%.

 

Trong khi đó, Nasdaq bị rơi vào tình thế tồi tệ hơn khi giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu khối công nghệ, đặc biệt là những cổ phiếu blue-chip. Đây là phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp của chỉ số này nhưng không vì thế mà biên độ giảm lại thấp hơn các phiên trước. Cổ phiếu Intel giảm 3,6%, cổ phiếu Apple hạ 2,52%, cổ phiếu Microsoft trượt 1,99%.

 

Cổ phiếu khối tài chính, nguyên vật liệu cơ bản, công nghiệp và công nghệ - vốn phục hồi mạnh nhất kể từ tháng 3/2009, đã bị giới đầu tư bán tháo trong phiên giao dịch hôm thứ Tư. Chỉ số S&P khối nguyên vật liệu cơ bản và chỉ số S&P tài chính phiên này cùng giảm 3,2%.

 

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 28/10: chỉ số Dow Jones giảm 119,48 điểm, tương đương -1,21%, chốt ở mức 9.762,69.

 

Chỉ số Nasdaq hạ 56,48 điểm, tương đương -2,67%, chốt ở mức 2.059,61.

 

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 trượt 20,78 điểm, tương ứng -1,95%, đóng cửa ở mức 1.042,63.

 

Khối lượng giao dịch phiên này trên sàn New York đạt 1,68 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 9 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm. Trên Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,75 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

 

 

Chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm mạnh

 

Ngày 28/10, chứng khoán khu vực tiếp tục hứng chịu phiên giảm điểm mạnh, đưa chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương xuống thấp nhất trong 3 tuần qua.

 

Diễn biến của thị trường hôm 28/10 có nhiều điểm tương đồng với phiên trước đó khi các chỉ số đều đồng loạt giảm ngay từ khi thị trường mở cửa và duy trì biên độ giảm đến hết ngày giao dịch.

 

Thị trường Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật, Australia đều có đợt sụt giảm mạnh sau khi thị trường mở cửa ngày giao dịch, đồ thị một số thị trường hình thành hình dốc đứng. Phiên giảm điểm mạnh này khiến 6/8 thị trường chứng khoán lớn của khu vực cùng giảm trên 1,3%.

 

Thị trường Hàn Quốc và Đài Loan đã giảm điểm mạnh, dù một ngày trước đó hai thị trường này giảm điểm với biên độ thấp nhất trong 8 thị trường lớn của khu vực. Riêng thị trường Trung Quốc đã bất ngờ phục hồi vào cuối phiên giao dịch, dù hầu hết thời gian giao dịch, chỉ số Shanghai Composite đều ở dưới ngưỡng giá trị phiên trước đó.

 

Cũng giống thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau khi giảm điểm mạnh một ngày trước đó, chỉ số VN-Index của Việt Nam đã phục hồi trở lại, dù biên độ tăng khá khiêm tốn.

 

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này giảm 1,2% xuống 116,49 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 6/10/2009.

 

Chuyển qua diễn biến thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục giảm điểm mạnh, đưa chỉ số này xuống thấp nhất trong vòng 2 tuần qua. Cổ phiếu khối công nghệ đồng loạt mất điểm, qua đó kéo thị trường giảm sâu.

 

Cổ phiếu của Advantest mất 5,2%; cổ phiếu Tokyo Electron hạ 6,1%; cổ phiếu Canon và Ricoh giảm với biên độ lần lượt là 3,4% và 2,2%, sau khi hai hãng công bố lợi nhuận quý 3 suy giảm mạnh.

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 137,41 điểm, tương đương -1,35%, chốt ở mức 10.075,05. Khối lượng giao dịch đạt 1,8 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

 

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 1,61%. Chỉ số ASX của Australia mất 1,42%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 1,44%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 0,65%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lên 0,33%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam nhích 0,52%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,84%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sụt giảm 2,41%.

Chứng khoán Mỹ sụt giảm điểm tồi tệ ảnh 1


VNE

Tin cùng chuyên mục