Cân nhắc bán vàng mua “cổ”

(ĐTCK-online) Năm 2010 là một năm đẹp đối với nhiều TTCK trên thế giới, nhưng các tin tức tốt và xấu đan xen khiến NĐT khó đưa ra quyết định cuối cùng.
Không có gì tăng mãi hay giảm mãi Không có gì tăng mãi hay giảm mãi

Những tin tích cực như kinh tế Mỹ đang tốt lên, tiêu dùng tăng mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn ổn… hàng ngày vẫn xuất hiện. Trong khi đó, tin tiêu cực như khủng hoảng ngân hàng Ireland, căng thẳng quân sự Hàn Quốc - Triều Tiên, số người thật nghiệp cao… cũng xuất hiện không phải là ít.

Khi năm 2010 sắp kết thúc, NĐT vẫn phải đối mặt với các xu hướng không rõ ràng, gây khó cho họ khi quyết định mua, bán hay nắm giữ chứng khoán. Một ví dụ về sự bối rối chính là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục một chương trình nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong lịch sử để mua trái phiếu chính phủ, cái mà người ta gọi là “nới lỏng định lượng”, nhằm hạ lợi tức trái phiếu, hạ lãi suất cầm cố và các lãi suất tiêu dùng khác.

Nhưng sự thực thì lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn và các loại lãi suất thế chấp, cầm cố vẫn tăng, chứ không giảm, kể từ khi chương trình được công bố hơn 1 tháng trước. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư hiện nay vẫn còn “hoang mang”.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tệ khi nhiều lĩnh vực đầu tư vẫn cho thấy tín hiệu tích cực trong dài hạn. Với cổ phiếu của các công ty nhỏ, sự khuyến cáo vẫn chủ yếu là mua.

Thực tế cho thấy, năm 2010 là tốt với chứng khoán, đặc biệt với nhóm cổ phiếu nhỏ. Chỉ số Standard & Poor’s 100 Index, đại diện cho 100 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trong số cổ phiếu nhỏ nhất, hiện đã tăng 6,5%, nhưng chỉ số Standard & Poor’s 500 Index thì tăng hơn 9,5%. Trong khi đó, chỉ số MidCap 400 và SmallCap 600 (theo dõi những công ty nhỏ hơn rổ Standard & Poor’s 500) lại tăng tương ứng 21% và 20%.

Jack Ablin, Giám đốc Đầu tư của Harris Private Bank tại Chicago khuyên các NĐT nên nhắm vào cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là ở các thị trường quốc tế (ngoài Mỹ). “Lý do chính là những công ty này có mức cải thiện lợi nhuận tốt hơn và cổ phiếu này vẫn đang được giao dịch ở mức giá hấp dẫn”, Ablin nói.

Giá cổ phiếu hạng nhỏ tại nhiều thị trường quốc tế đang được giao dịch ở tỷ lệ giá/doanh thu là 0,4, so với mức khá đắt 1,2 trong chỉ số Standard & Poor’s 500 của Mỹ.

Tobias Levkovich, Trưởng nhóm Thị trường cổ phiếu Mỹ của Citigroup cho biết, trong quá trình cải thiện lợi nhuận biên gần đây, cổ phiếu nhỏ có mức tăng tốt hơn. “Xu hướng này có thể tiếp tục trong 6 tháng tới hoặc hơn thế”, Levkovich nhận định.

Tuy nhiên, rủi ro đối với cổ phiếu có thể đến từ Trung Quốc. Với lạm phát hiện lên tới hơn 4,4%, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế tăng giá và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng chậm lâu hơn mong đợi, điều này sẽ ảnh hưởng chung tới giá cổ phiếu Mỹ và các thị trường khác.

Với cổ phiếu công nghệ, lời khuyên cũng là mua khi nhiều người nói là cổ phiếu công nghệ mới tăng gần 7% trong năm nay, nên đây sẽ là đích đến tiếp theo.

Alan Zafran, đồng sáng lập Công ty Tư vấn đầu tư Luminous Capital, có trụ sở tại Los Angeles nói rằng, NĐT nên tập trung vào cổ phiếu có tính chu kỳ, tức là có xu hướng tốt khi kinh tế hồi phục. Zafran chia sẻ, ông thích cổ phiếu công nghệ thông tin và năng lượng, vốn có sự tăng trưởng ấn tượng và bản cân đối tài chính mạnh.

“Cổ phiếu Microsoft là một ví dụ khi được giao dịch ở mức P/E khoảng 10 lần, chưa tính lượng tiền mặt lớn và cổ tức 2,5%. Quốc hội Mỹ có thể cho phép những công ty như Microsoft thu tiền từ nước ngoài về và điều này sẽ giúp Công ty rất nhiều”, Zafran nói.

Trong khi đó, lời khuyên đối với NĐT là bán vàng. Giá kim loại quý này đã tăng rất mạnh trong năm nay, với mức tăng hơn 28%, sau khi có những lo lắng về việc FED nhiều khả năng tiếp tục “phá giá” đồng USD hơn nữa và điều này sẽ dẫn tới lạm phát trong tương lai.

Vàng là một loại tài sản đầu tư thay thế cho tiền giấy. Do đó, nhiều NĐT đã đổ xô vào kim loại quý này để “chống lại” sự yếu đi của đồng USD, cũng như đồng Euro. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, đã đến lúc “chốt lời” đối với vàng.

“Đầu tư vào vàng sẽ tốt nếu chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng ít nhất 3% trong vòng 3 năm tới. Nhưng với chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 2% như hiện nay và ít có tín hiệu tăng hơn, giá vàng có thể sẽ không tăng mạnh trong ngắn hạn”, Ablin nhận định.

“Tôi tin vào sự hồi phục kinh tế toàn cầu, nên xu hướng tăng giá hàng hóa trong dài hạn là ít thay đổi”, Mike O’Rourke, nhà chiến lược thị trường của BTIG LLC nói. Rourke cho rằng, do kỳ vọng vào chương trình mua trái phiếu của FED, nên NĐT đã đổ xô vào vàng và các loại hàng hóa khác. Vì thế, việc giảm giá vàng là điều nên chuẩn bị.


Nguyên Hưng (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục