Các đại gia đẩy chứng khoán lao dốc

(ĐTCK) Ảnh hưởng tiêu cực từ các đại gia như Apple và Goldman Sachs khiến phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần mới, đánh mất hết những gì đã có trong tuần trước.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau khi có tuần tăng khá tốt nhờ phản ứng tích cực với kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ, phố Wall mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới chịu ngay áp lực từ các đại gia, khiến các chỉ số đồng loạt chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính giảm mạnh nhất do ảnh hưởng tiêu cực từ Apple và Goldman Sachs lây lan ra cả nhóm.

Cụ thể, cổ phiếu của Apple giảm 5% khi một số nhà cung cấp cho đại gia công nghệ này, trong đó Lumentum Holdings Inc – đơn vị cung cấp công nghệ Face ID cho iPhone cắt giảm dự báo. Cổ phiếu của Lumentum thậm chí giảm tới 33%, còn cổ phiếu của các nhà sản xuất chip khác bán cho Apple như Cirrus Logic Inc, Qorvo Inc và Skyworks Solutions Inc cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu Goldman Sachs giảm 7,5% sau khi một báo cáo cho rằng, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, nước này đang tìm cách thu lại toàn bộ các khoản lệ phí tài chính liên quan đến Quỹ 1MDB.

Ngoài ra, việc giá dầu thô tiếp tục lao dốc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu năng lượng, qua đó cũng ảnh hưởng tới đà giảm mạnh của phố Wall trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 602,12 điểm (-2,32%), xuống 25.387,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 54,79 điểm (-1,97%), xuống 2.726,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 206,03 điểm (-2,78%), xuống 7.200,87 điểm.

Giống phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới do tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu công nghệ và thuốc lá. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu trong quý III/2018 gây thất vọng nhất trong gần 3 năm cũng tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 52,26 điểm (-0,74%), xuống 7.053,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 203,72 điểm (-1,77%), xuống 11.325,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,65 điểm (-0,93%), xuống 5.059,09 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đều hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới nhờ lực cầu bắt đáy. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc tăng hơn 1,2%, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 19,63 điểm (+0,88%), lên 22.269,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,65 điểm (+1,22%), lên 2.630,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 31,26 điểm (+0,12%), lên 25.633,18 điểm.

Bất chấp thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng cũng không tìm được động lực để đi lên mà tiếp tục có phiên giảm thứ 7 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 4 tuần do đồng USD tăng mạnh.

Kết thúc phiên 12/11, giá vàng giao ngay giảm 9,5 USD (-0,79%), xuống 1.199,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 5,1 USD/ounce (-0,42%), xuống 1.203,5 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới, đánh dấu phiên giảm thứ 11 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong lịch sử khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông hy vọng sẽ không có việc giảm sản lượng từ các nước thành viên OPEC.

Trước đó, Bộ trưởng Ả Rập Xê út cho biết, OPEC đang xem xét cắt giảm nguồn cung trong năm tới do nhu cầu giảm. Ả Rập Xê út cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran làm giảm sản lượng dầu thô ít hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 12/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,37 USD (-2,28%), xuống 58,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,21 USD (-1,72%), xuống 68,97 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục