Báo Mỹ: Nên bỏ thuế quan hai bờ Đại Tây Dương

Nhật báo Phố Wall của Mỹ số ra cuối tuần qua cho rằng do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng kết hợp các công cụ tài chính và tiền tệ để vừa hạn chế thâm hụt ngân sách, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên có nguy cơ họ bỏ sót chính sách thương mại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mặc dù thuế quan giữa Mỹ và EU đã thấp, nhưng vì quan hệ kinh tế giữa bai bên có quy mô rất lớn, đạt 600 tỷ USD về thương mại và 2.000 tỷ USD về đầu tư, nên một bước đi nhỏ, với việc đưa thuế về mức bằng 0, cũng sẽ tạo ra những lợi ích vô cùng to lớn cho sự thịnh vượng của hai bờ Đại Tây Dương.

 

Theo báo cáo của Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế của châu Âu, có trụ sở tại Brussel, sáng kiến đưa thuế quan giữa hai bờ Đại Tây Dương về 0 sẽ giúp GDP của Mỹ và EU tăng thêm 180 tỷ USD trong vòng 5 năm, cao hơn cả mức tăng trưởng có thể đạt được từ việc hoàn thành vòng đàm phán thương mại đa phương Doha.

 

Và trong bối cảnh vòng đàm phán về tự do hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn đang trong thế bế tắc, một thỏa thuận đưa thuế quan về 0 giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể được ký kết một cách nhanh chóng, nhất là khi những trở ngại đối với việc ký kết các thỏa thuận thương mại song phương, như các tiêu chuẩn về xã hội, lao động và môi trường, không còn là vấn đề, vì hai bên có cách tổ chức xã hội khá tương đồng.

 

Thêm vào đó, do 1/3 thương mại xuyên Đại Tây Dương diễn ra giữa các chi nhánh của cùng một công ty, việc xóa bỏ thuế quan đối với hoạt động thương mại sẽ giúp cả các công ty Mỹ lẫn châu Âu trở nên khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu, cũng như đối phó tốt hơn với sự nổi lên của các công ty Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các thị trường đang nổi khác mà không cần đến các biện pháp bảo hộ.

 

Dù Brussel và Washington có đưa ra chính sách gì đi nữa thì tự do thương mại luôn có tác dụng làm gia tăng tiềm năng kinh tế của Mỹ và châu Âu. Vậy tại sao cho đến bây giờ vấn đề này vẫn rất ít khi được đưa ra thảo luận, ngay cả dưới thời của nhà nhà lãnh đạo chủ trương mở rộng tự do thương mại.

 

Một lý do có thể giải thích cho vấn đề này đó là mối lo ngại rằng nếu hai nền kinh tế khổng lồ này nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản thương mại, họ có thể làm chệch hướng sự chú ý khỏi vòng đàm phán Doha .

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước hai bờ Đại Tây Dương đang rất cần kích thích tăng trưởng kinh tế sau thời kỳ suy thoái, họ không nên cứ ngồi đó chờ đợi sự thành công của vòng đàm phán Doha.

 

Và cũng giống như Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ đã giúp kết thúc các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu trước đó, chẳng hạn như vòng đàm phán Uruguay trong thập niên 1990, một hiệp định phi thuế quan xuyên Đại Tây Dương cũng có thể mở đường cho các thỏa thuận thương mại khác.

 

Về dài hạn, Mỹ và châu Âu không nên chỉ dừng lại ở việc loại bỏ thuế quan. Mục tiêu cuối cùng có thể là tự do thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, một thị trường chung cho đầu tư và các cơ chế quản lý tương thích. Tuy nhiên, ưu tiên hiện tại là nhanh chóng đưa cơ hội phát triển vào nền kinh tế Mỹ và EU. Đó chính là điều mà một thỏa thuận thuế quan bằng 0 có thể làm./.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục